Nhật Bản là một trong những điểm đến ưa chuộng nhất của người Việt.
Trong ảnh: nhóm du khách Việt tham quan đền Naritasan tại Tokyo
Sau khi công bố tour mới cho hè 2018 với tuyến Azerbaijan - Goergia 7 ngày 6 đêm, giá tour từ 43 triệu đồng/người trở lên, Công ty du lịch Vietravel phải tăng thêm số tour khởi hành so với dự kiến do số người đến đặt tour "ngay và luôn" rất đông.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, phó tổng giám đốc Vietravel, cho biết các công ty du lịch phải luôn tung ra những sản phẩm mới, cung đường mới bởi người Việt đi du lịch rất nhanh chán, thích đi tour mới, ít quay trở lại những nơi đã đi.
“Giá tour có thể vài chục triệu như tour đi châu Âu khoảng 40-60 triệu đồng, đi New Zealand 60-70 triệu đồng... nhưng số tiền mua sắm của khách bao giờ cũng cao hơn nhiều so với tiền tour
Ông Jimmy Vũ (giám đốc tiếp thị Benthanh Tourist)
Đua nhau xuất ngoại du lịch
Trong năm 2017, ngoài những tour sang các quốc gia trong khu vực ASEAN, lượng khách mua tour của doanh nghiệp này đi Đài Loan (Trung Quốc) tăng đến 170%, khách đi tour Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tăng trên 30%.
Ông Trần Thế Dũng, phó tổng giám đốc Fiditour, cũng cho biết trong những năm gần đây, lượng người Việt đi du lịch nước ngoài đăng ký qua doanh nghiệp này ngày càng tăng, với mức tăng trung bình khoảng 25-30% so với năm trước.
Các thị trường được xem là "đắt đỏ" như Mỹ, châu Âu, Úc... tỉ lệ khách tại các công ty tăng trung bình khoảng 30%/năm.
Số liệu của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO) cũng cho biết khách Việt tới Hàn Quốc trong năm 2017 đạt hơn 330.000 lượt, tăng gần 30% so với năm trước đó, đứng thứ 8 trong số các thị trường có khách tới thăm Hàn Quốc.
Theo các công ty du lịch, tâm lý hướng ngoại, mong muốn khám phá nền văn hóa khác biệt, giá tour phù hợp, địa điểm tham quan phong phú, ít xảy ra tình trạng "chặt chém", đặc biệt trong mùa cao điểm, chính sách visa ngày càng thông thoáng... là những yếu tố khiến tầng lớp người Việt có tiền ưu tiên chọn các tour du lịch nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thừa nhận so với du lịch nội địa, tour nước ngoài hấp dẫn do dịch vụ tốt, nhiều chương trình vui chơi, giải trí, mua sắm mà giá tour tương đối ổn định, ít tăng giá theo mùa vụ.
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết khách Việt luôn nằm trong top những khách hàng tiềm năng của các nước trong khu vực vì thường chi hơn 1.000 USD/người mua sắm tại các thị trường Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan...
Bạo chi cho du lịch
Mức chi tiêu sẽ cao hơn rất nhiều nếu du khách đi tour tại các nước châu Âu, trong đó không ít khách "đánh" hàng về bán.
Khảo sát của Nielsen cũng cho thấy gần một nửa những người Việt mua sắm online đã chọn dịch vụ của nước ngoài, trong đó dịch vụ du lịch xếp thứ 4 trong các ngành mà người Việt tìm kiếm từ nước ngoài.
Theo ông Trần Thế Dũng, khảo sát của doanh nghiệp này cho thấy mức chi tiêu trong quá trình đi tour của khách Việt hiện bình quân khoảng 800 - 900 USD/khách, thậm chí lên đến 1.200 - 1.500 USD/người với những thị trường cao cấp, tăng mạnh so với mức chi khoảng 500 USD/khách cách nay 3 năm.
Ngoài việc các dịch vụ tour tại nước ngoài có chất lượng ổn định và giá hợp lý, du khách Việt mạnh tay chi tiêu mua sắm còn bởi các mặt hàng ngoại thường có giá rẻ hơn khi vào Việt Nam, không lo hàng giả.
Với hơn 8 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch, anh Nguyễn Ngọc Hùng cho biết phần lớn người Việt thích chụp hình "check in" để chứng minh rằng mình đã đến đó, hoặc tìm những nơi đông vui, có mua sắm, ẩm thực và ít đi bộ càng tốt, rất ngại vận động.
Đến Nhật Bản du lịch để mua nồi cơm điện
"Trong một số tour, chúng tôi có tổ chức những đoạn đường đi bộ khám phá, chỉ cần hơi dốc hay đường khó một chút là khách phàn nàn ngay. Trong khi đó, tour du lịch nào không thiết kế mua sắm hay vì một lý do nào đó khách không mua được hàng, chúng tôi sẽ bị phàn nàn dữ dội" - anh Hùng nói.
Nhiều món hàng ở Việt Nam không thiếu nhưng khách Việt vẫn mua với tâm lý "mua tận gốc và có món hàng đem về".
Chẳng hạn, khi sang Nhật, khách Việt thường mua hàng điện tử nội địa như nồi cơm điện, bàn ủi... dù hàng điện tử Nhật dùng điện áp 110V nhưng nhiều khách sẵn sàng bỏ ra 15-18 triệu để mua một nồi cơm điện.
Có đoàn khách Việt sang Nhật tìm mua bằng được nắp bồn vệ sinh thông minh dù sản phẩm này không thiếu tại Việt Nam, với giá mềm hơn.
"Có người vào siêu thị lấy gần 30 cái làm tôi không biết sắp xếp thế nào" - anh Hùng cho biết.
Theo ông Jimmy Vũ - Giám đốc tiếp thị Benthanh Tourist, kinh nghiệm nhiều năm dẫn tour cho thấy người Việt đi du lịch mua sắm thường mua quần áo khuyến mãi, mỹ phẩm...
Nếu đi châu Âu sẽ mua hàng hiệu như LV, Hermes... dù các cửa hàng này đều giới hạn khách hàng, phải xếp hàng chờ đợi nhưng họ vẫn kiên nhẫn.
Nếu đi Mỹ, sau khi "lọt" vào các outlet, kiểu gì khách cũng phải mua thêm vali để đem hàng về, mỹ phẩm, quần áo, giày dép. Sang Hàn Quốc, khách Việt sẽ mua sâm như mua... củ cải. Đến Úc, khách Việt tập trung mua mật ong, thực phẩm chức năng, mua collagen...
Phần lớn du khách Việt có tâm lý đã đi nước ngoài là phải mua sắm, dù nhiều khi mua về cũng không hẳn để xài. Do đó, khi thiết kế các tour du lịch nước ngoài cho khách, các công ty thường phải tính đến vài địa điểm mua sắm trở lên.
Theo Tuổi trẻ