Người đưa nỗi nhớ Sài Gòn vào âm nhạc Pháp

Năm 2019, khi tham dự Tết cộng đồng cùng người Việt tại thành phố Lyon, tôi có dịp nghe nam ca sĩ người Pháp hát về thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu, tôi đoán chắc ông ấy là một người Pháp yêu Việt Nam nên Hội người Việt Nam tại Pháp mời đến biểu diễn trong dịp mừng năm mới. Đến cuối bài hát, thì nam ca sĩ chào mọi người bằng tiếng Việt và nói với khán giả rằng: “Tôi là Gerard. Tôi sinh ra ở Đakao, Sài Gòn”. Sau đó, ông chia sẻ thêm bằng tiếng Anh rằng: mẹ ông là người Việt. Gia đình ông sống ở Sài Gòn đến năm ông 13 tuổi. Năm 1956, ông cùng mẹ và các em phải “hồi hương” về Pháp. Dù đi xa Việt Nam, tuy nhiên trong ký ức ông vẫn còn lưu giữ rất nhiều ký ức đẹp về nơi này.

Quê mẹ trong tim dù xa xôi vạn dặm
Gerard Addat -Ảnh: nhân vật cung cấp

Gerard Addat kể với giọng bùi ngùi: “Tôi không sao quên được buổi chia tay đẫm nước mắt hôm chúng tôi đi. Cả nhà tôi cùng khóc với cô nhũ mẫu. Mẹ tôi rất buồn khi phải từ giã quê hương yêu dấu. Song, bà cố gạt nước mắt để an ủi chúng tôi. Mấy hôm trước, chú xích lô thân thiết với gia đình chở chúng tôi đi thăm lại trường học, nhà thờ, đường phố, và những người hàng xóm… Cảnh vật thân quen vậy, mà trước lúc chia tay như nghìn trùng cách trở. Mỗi một nơi qua, đều để lại trong tôi biết bao nỗi ngậm ngùi. Những người hàng xóm ôm lấy chúng tôi để từ biệt mà ngân ngấn lệ, bác xích lô thân quen của chúng tôi cũng không kìm được nước mắt”.

Mười ba năm ở Việt Nam, nhiêu đó thời gian đủ để Gerard không bao giờ quên được quê mẹ. Ông luôn mang trong mình nỗi nhớ Sài Gòn hoa lệ với khu phố người Hoa nhộn nhịp ở Chợ Lớn, nhà thờ Đức Bà, bưu điện Thành phố, khách sạn Catinat - những công trình mang đậm kiến trúc Pháp… Đặc biệt là trường La San Taberb, nay là trường Trần Đại Nghĩa, nơi ông đã theo học. Chính tình cảm đó là nguồn cảm hứng để ông viết bài hát Mes souvenirs de Saïgon (Kỷ niệm ở Sài Gòn) bằng tiếng Pháp vào năm 1984. Trong đó có những lời ca như sự trải lòng của một người con hướng về quê mẹ xa cách: “Những con tàu dọc sông MêKong đưa người đi xa đến những vùng đất lạ, xa những cánh đồng lúa, xa khỏi Sài Gòn, xa khỏi Việt Nam của tôi…”

Những lời ca ngắn ngủi nhưng lại mang theo rất nhiều ký ức của Gerard và gia đình những ngày chia xa đất mẹ để về Pháp. Cả nhà ông lênh đênh trên thuyền từ Sài Gòn đến thành phố Marseille, rồi tới trại tị nạn tại Bordeaux…

Âm nhạc kết nối những trái tim

Gerard nói rằng ông đã thấy nhiều khán giả khóc như nghe những bài hát của ông. Không chỉ có khán giả người Việt mà khán giả từ các nước như Pháp, Phần Lan, Bồ Đào Nha… cũng mở lòng đón nhận những ca khúc mà ông viết về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, về những số phận bị mắc kẹt giữa cuộc chiến, khi quê mẹ và quê cha từng ở hai bờ chiến tuyến khác nhau.

 

Vượt qua những biến cố của lịch sử, Gerard cũng như những đứa trẻ từ Đông Dương trở về Pháp năm 1956 đều thành công và hòa nhập vào cuộc sống mới. Sau khi đi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Gerard trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Ông hát và sáng tác rất nhiều bài hát bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Quê mẹ trong tim dù xa xôi vạn dặm

Gerard Addat, thứ 2 từ phải sang, chụp ảnh lưu niệm cùng ông Đinh Toàn Thắng, thứ 3 từ phải sang, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, sau buổi biểu diễn tại Ngày hội Lãnh sự diễn ra tại Lyon trong hai ngày 11-12/6/2022 tại thành phố Lyon -Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần 40 năm trôi qua, đến năm 1990, Gerard mới có cơ duyên quay lại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh khi ông làm việc cho Việt Nam Tourism tại Paris. Và cũng từ chuyến đi đó trở về sau cứ 2-3 năm, ông lại trở về Việt Nam một lần. Trong bài hát về Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã gọi đó là những tháng ngày hạnh phúc: “Những ngày hạnh phúc, tôi quay lại đây, thành phố của thuở thiếu thời. Nơi tôi lớn lên trong tình yêu thương”

Bài hát mới nhất, ông vừa sáng tác về Việt Nam là “Les vagues du Mékong” với những ca từ như: Thiên đường của tuổi ấu thơ tôi – Sài Gòn, Chợ Lớn, Đa Kao – Nơi tôi trở về với hạnh phúc đích thực – Việt Nam luôn ở trong tim tôi..”

Như một người con xa quê không muốn lãng quên nguồn cội, ông dùng âm nhạc như một phương tiện để được chia sẻ với người Việt nhiều hơn. Ở Pháp, mỗi khi nhớ Việt Nam, ông thường chạy xe đến Quận 13, Paris để thưởng thức các món ăn Việt, gặp gỡ, trò chuyện với những người Việt Nam tại đây.

Với người Việt ở trong và ngoài nước, ông luôn muốn có thêm sự kết nối với họ bằng cách trò chuyện, biểu diễn những bài hát về Việt Nam do ông sáng tác. Đó là lý do vì sao rất hiếm khi ông từ chối lời mời biểu diễn từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, và Hội người Việt Nam tại Pháp… Một trong những kỷ niệm ông không thể nào quên đó là lần hát chung hai bài hát bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha với bà Kim Phúc – cô bé bom Napalm trong bức ảnh nổi tiếng được trao Giải Pulitzer của nhiếp ảnh gia Nick Út. Họ đã có một buổi nói chuyện bắng tiếng Việt trước công chúng trong bữa tiệc Tết cộng đồng được tổ chức bởi Hội người Việt ở thành phố Troyes.

Dù mang gốc tịch Pháp, dù phải xa quê mẹ từ thuở ấu thơ, nhưng trong trái tim ông lúc nào cũng dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Hỏi vì sao, thì ông luôn trả lời với nụ cười thật tươi và niềm tự hào ánh lên trong đáy mắt: “Tôi sinh ở Sài Gòn, mẹ tôi là người Việt, bởi vậy tôi dành rất nhiều tình cảm cho đất nước và con người Việt Nam”

Theo thoidai