Bộ tranh vẽ lại những lát cắt cuộc đời Cao Văn Lầu gắn với việc ra đời của khúc Dạ cổ hoài lang
Bộ tranh có tên Trăm năm Dạ cổ hoài lang, được tung ra ngay trước ngày tỉnh Bạc Liêu tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm bài Dạ cổ hoài lang, trong đêm khai mạc Tuần Văn hóa du lịch Bạc Liêu 2019 diễn ra tối 20-11 tại thành phố Bạc Liêu.
Bộ tranh gồm 12 bức tranh đồ họa, vẽ 12 mốc cuộc đời của Cao Văn Lầu từ khi còn là một đứa trẻ sống trong chùa Vĩnh Phước An, trải qua những thăng trầm, tới khi sáng tác bài ca được xem như một hạt giống nền tảng trong quá trình hình thành vọng cổ - một thể loại âm nhạc tiêu biểu của Nam Bộ.
Cùng với 12 bức tranh với nét vẽ đẹp và giàu cảm xúc là 12 bức "tranh chữ" để cùng kể câu chuyện cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa.
Tất cả đều được "đóng khung" với viền trang trí họa tiết Art Décor - một phong cách nghệ thuật trang trí phát triển ở phương Tây những năm đầu thế kỷ XX, cùng thời với sự ra đời của bài ca Dạ cổ hoài lang. Phong cách Art Décor sau đó đã nhanh chóng được người Pháp đưa tới các công trình kiến trúc ở Việt Nam thời thuộc địa.
Việc kết hợp giữa một câu chuyện cổ Việt Nam và phong cách Art Décor phương Tây cùng thời, và ngôn ngữ đồ họa đương đại khiến bộ tranh có thể sẽ rất hấp dẫn với các bạn trẻ - những đối tượng mà Vinh Vương (Vương Quang Vinh) - tác giả của dự án bộ tranh này hướng tới.
Bộ tranh bắt đầu bằng tuổi thơ của Cao Văn Lầu cùng với cây đàn như báo hiệu về số phận của ông
Vinh Vương - người mới đây được giới trẻ yêu văn hóa nghệ thuật chú ý bởi bộ tranh Yêu ma quỷ quái và bộ tranh vẽ lại cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm - cho biết, bộ tranh Trăm năm Dạ cổ hoài lang chính là nằm trong một dự án dài hơi, kéo dài 3 năm của bạn.
Dự án này Vinh Vương dự định mỗi năm thực hiện một bộ tranh về một cuốn sách về đề tài Việt Nam thời chiến được biết tới rộng rãi trên thế nhưng lại ít được các bạn trẻ Việt chú ý tới, và một danh nhân Việt Nam.
Dự án bắt đầu từ năm 2018, với bộ tranh về cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy tTâm ra mắt hồi tháng 8, và nay là bộ Trăm năm Dạ cổ hoài lang vẽ Cao Văn Lầu. Trong các dự án này, Vinh Vương là người lên ý tưởng chi tiết, thiết kế đồ họa chữ và tìm kiếm cộng sự là họa sĩ đồ họa giúp vẽ minh họa bộ tranh.
Bộ tranh Dạ cổ hoài lang do nữ họa sĩ trẻ Hương Trần vẽ minh họa.
Để thực hiện dự án này, Vinh Vương đã tìm đọc rất nhiều về cuộc đời của Cao Văn Lầu để rút ra những lát cắt tiêu biểu trong cuộc đời của ông mà có liên quan tới những tâm tình khiến người nghệ sĩ tài hoa sáng tác lên bài ca này.
Chú bé Sáu Lầu những tháng năm sinh sống ở chùa Vĩnh Phước An
Đó là hành trình từ lúc Cao Văn Lầu còn là đứa trẻ quê vất vả, phải vào chùa sống, về thời thanh niên đàn hát, về những người phụ nữ đã đi qua trong cuộc đời ông, những đồng nghiệp, những người thương không thể lên duyên, và người vợ gian truân là nguồn cảm hứng trực tiếp cho khúc ca bất hủ.
Dự án đã được lên kế hoạch và thực hiện trong cả năm. Vinh Vương cho biết bạn làm bộ tranh không phải để tôn vinh cái gì lớn lao mà chỉ đơn giản là để góp tay vào đưa câu chuyện văn hóa đẹp của vùng Nam Bộ này đến gần với các bạn trẻ ngày nay vốn ít quan tâm tới các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Múc đích này của Vinh Vương bắt nguồn từ chính câu chuyện của bạn. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cái gốc của vọng cổ, tuy nhiên trước đây Vinh không hề nghe và thích cải lương. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi bạn được nghe cải lương hay những khúc dân ca trong các cuộc thi trên truyền hình.
Vinh nghĩ rằng những người trẻ như Vinh chắc chắn sẽ yêu văn hóa truyền thống, các bộ môn nghệ thuật của dân tộc nếu các bạn được tiếp cận theo hướng mà các bạn thích thú. Vinh đã từng được truyền lửa yêu văn hóa dân tộc, Vinh muốn mình sẽ là người tiếp lửa tình yêu ấy tới các bạn trẻ khác.
Thầy dạy đàn Hai Khị của Cao Văn Lầu
Sau bộ tranh Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Trăm năm Dạ cổ hoài lang, năm tới Vinh dự tính làm bộ tranh về cuốn tiểu thuyế Người tình và bộ tranh về cuộc đời của Nguyễn Du liên quan tới sáng tác bất hủ Truyền Kiều, nhân 200 năm ra đời của viên ngọc văn chương đất Việt này. Dự án vẽ cuốn Người tình hiện đang khiến Vinh lo lắng về những thủ tục bản quyền nhưng Vinh rất mong muốn sẽ thực hiện được. Năm tới dự tính sẽ là bộ tranh về cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và danh nhân Trịnh Cộng Sơn. |
Ngắm bộ tranh Trăm năm Dạ cổ hoài lang:
Cao Văn Lầu và thầy dạy đàn Hai Khị
Cao Văn Lầu thời còn đàn hát với Sáu Thìn và cô Ba Phấn
Cô Hai Sang được biết đến là mối tình đầu của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu
Dân gian kể rằng ngày cô Hai Sang đi lấy chồng, Cao Văn Lầu ôm cây đàn kìm đi khắp chốn, gẩy lên tiếng đàn bi ai
Cao Văn Lầu và người vợ là Trần Thị Tấn - người là nguồn cảm hứng cho Cao Văn Lầu sáng tác khúc Dạ cổ hoài lang
Nhưng Sáu Lầu và Thị Tấn lấy nhau 3 năm vẫn chưa có con nên mẹ chồng luôn nhắc nhở
Sau cuộc trò chuyện giữa Cao Văn Lầu và vợ, Thị Tấn đã lặng lẽ ra đi
Những đêm chia lìa vợ chồng, nghe tiếng trống canh khuya, Cao Văn Lầu đã sáng tác khúc Dạ cổ hoài lang nói lên nỗi lòng ngóng trông chồng của những người vợ lúc canh khuya
Đã 100 năm vui buồn cũng người dân Việt, bài ca Dạ cổ hoài lang được xem như một hạt giống nền tảng trong quá trình hình thành vọng cổ - một thể loại âm nhạc tiêu biểu của Nam Bộ
Theo tuoitre