Cuộc hội ngộ của Mai-anh với người vú năm xưa đăng tải trên báo Midi Libre (Pháp) vào cuối tháng 5 vừa qua - ẢNH: NVCC
Cư dân mạng cảm phục trước sự kiên trì của cô gái Pháp và liên tục chia sẻ các bài viết của cô, hy vọng sẽ có một cuộc đoàn tụ trong tương lai gần.
“Tôi sinh ra dưới cái tên Trần Thị Tuyết Anh vào ngày 23.5.1999 lúc 11 giờ 25 phút tối. Tôi được chuyển đến Trung tâm trẻ mồ côi Gò Vấp (Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp - PV) và được nhận nuôi lúc 3 tuần tuổi. Mẹ tôi đã bỏ rơi tôi năm bà 42 tuổi và tên của bà trong giấy tờ ở bệnh viện là Trần Thị Hiền”. Đó là một phần của bài viết mà Mai-anh (sống ở Montpellier, miền nam nước Pháp) nhờ những người bạn Việt Nam dịch sang tiếng Việt để gửi đến các trang mạng xã hội.
Hội ngộ bất ngờ với vú nuôi
Gõ cửa mạng xã hội là cách cô gái 21 tuổi bắt đầu cuộc tìm kiếm mẹ ruột với hành trang là những giấy tờ và những tấm ảnh kỷ niệm mà mẹ nuôi người Pháp (đã qua đời) của cô để lại và sự ủng hộ của người cha nuôi (cũng người Pháp). Không dừng lại, Mai-anh quyết định một mình thực hiện chuyến trở về quê hương vào tháng 1.2020. Hai tuần (từ 16.1 - 5.2) là quãng thời gian đáng nhớ của cô gái lần đầu tiên trở lại Việt Nam.
Mai-anh “lội ngược thời gian” tìm đến những nơi cô từng có mặt vào năm 1999 - đó là Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Mai-anh cho biết cô không đặt kỳ vọng to lớn cho chuyến đi này bởi “điều quan trọng với tôi không chỉ là tìm mẹ mà còn tìm hiểu nguồn cội, xuất thân”.
Mẹ nuôi người Pháp gặp Mai-anh lần đầu tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp năm 1999
Dù thông tin về mẹ ruột vẫn mơ hồ nhưng cô đã đón nhận một món quà bất ngờ khi đến thăm trung tâm. Với sự giúp đỡ của những người bạn quen qua mạng xã hội, cô đã tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Lắm - người vú nuôi làm việc tại trung tâm này ở thời điểm cha mẹ Pháp nhận nuôi cô.
Cầm trên tay tấm ảnh bà Lắm bồng mình lúc mới vài tuần tuổi, Mai-anh kể với PV Thanh Niên: “Tôi không tin vào mắt mình. Tôi có nhận ra bà. Bà không khác gì mấy so với trong ảnh”. Cuộc hội ngộ với cô gái trẻ như một niềm khích lệ lớn lao để chờ đến ngày được gặp mẹ ruột. “Tôi không oán giận mẹ. Tôi nghĩ bà làm vậy là vì tôi. Dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu bà. Nếu được gặp lại mẹ, chắc chắn đó sẽ khoảnh khắc đầy cảm xúc. Tôi mở trái tim mình và đón nhận mọi chuyện”, Mai-anh chia sẻ.
Đáp đền tiếp nối
Hiện sống ở thành phố ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Mai-anh vừa đi làm vừa đi học và không quên “dự án Việt Nam” mà cô “khởi động” vừa qua. Gặp những em bé tại đây, cô cảm nhận được sự thiếu thốn tình cảm của các bé và nhìn thấy mình hơn 20 năm về trước.
Mai-anh đã kêu gọi quyên góp từ khi trở về Pháp với mong muốn sẽ tặng những em bé ở trung tâm này một món quà cho dịp Giáng sinh năm nay. Tuy nhiên, vì bất ngờ xảy ra dịch bệnh nên Mai-anh cho biết cô sẽ sắp xếp quay lại Việt Nam vào năm sau. Cô chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng tìm mẹ. Nếu thất bại, tôi vẫn không bi quan. Và trên hết, tôi muốn làm gì đó cho nơi tôi sinh ra để cảm ơn cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ. Chuyến đi Việt Nam vào tháng 1 vừa rồi là một trải nghiệm tuyệt vời”.
Ngoài món quà cảm ơn theo dự tính, Mai-anh còn mong muốn những đứa trẻ bị bỏ rơi như cô sẽ được sống hạnh phúc, dù ở đâu: “Tôi từng bị kỳ thị lúc nhỏ, người ta nhìn tôi với ánh mắt “ồ, họ không phải là cha mẹ ruột của bạn”. Lúc đó, với tôi thật khó khăn. Nhưng theo thời gian, tôi giúp bản thân thoát khỏi những suy nghĩ ác ý đó. Họ cứ việc trêu chọc, còn tôi cứ việc cười thả ga. Tôi không còn thấy quan trọng chuyện đó nữa”. Hy vọng một cái kết đoàn viên sẽ sớm đến với cô gái kiên trì này.
Kể lại cuộc gặp với Mai-anh Guillou, bà Nguyễn Thị Lắm (78 tuổi, P.14, Q.Gò Vấp) chia sẻ: Hồi đó nó còn bé xíu mà giờ đã lớn rồi, lại còn rất xinh đẹp. Nhìn nó mà mình thương lắm. Thấy nó có cuộc sống tốt hơn thì mình rất mừng. Hồng Hạnh (ghi) |
Theo thanhnien