Tôi vốn giản dị và không bao giờ son phấn, trừ ngày cưới. Sau khi sinh 2 con, tôi còn lười làm đẹp, chăm sóc bản thân hơn. Chồng tôi cũng thích sự mộc mạc, giản dị của vợ nên tôi chẳng bao giờ lăn tăn chuyện phải làm đẹp.
Khi mẹ chồng từ Quy Nhơn vào chăm tôi sinh bé thứ hai, trong hành lý của bà có nhiều mỹ phẩm như: tinh dầu hoa hồng, kem dưỡng da, son môi, chì kẻ mày và hũ rượu ngâm mà mẹ giới thiệu: “Thoa mỗi ngày 2 lần, da trắng mịn, hồng hào”. Mẹ ra lệnh cho tôi: “Con đã hoàn thành nhiệm vụ sinh đẻ. Giờ là lúc con phải lo cho mình, chăm chút bản thân”.
|
|
Những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc của mẹ chồng - con dâu và 2 cháu nội - Ảnh minh hoạ: Shutterstock |
Tôi nghĩ chắc chồng hay phàn nàn về ngoại hình của tôi và nhờ mẹ ruột “nhỏ to tâm sự” nên hỏi: “Anh Bình (chồng tôi) chê con, hay nói gì hả mẹ?”. Mẹ chồng gạt ngang: “Chồng con mà để ý gì ngoại hình, nhưng con làm đẹp không phải vì chồng. Mẹ không hiểu tại sao nhiều phụ nữ quan niệm làm đẹp để giữ chồng. Với mẹ, phụ nữ làm đẹp trước tiên là cho chính mình, để mình tự tin, hạnh phúc. Phụ nữ làm đẹp để chồng phải… giữ mình, chứ không phải để giữ chồng”.
Thời gian tôi ở cữ, mẹ chồng bắt tôi thoa thuốc rượu đẹp da. Mỗi tối đi ngủ, mẹ nhắc tôi thoa tinh dầu hoa hồng và kem dưỡng da. Ngay cả khi con khóc, mẹ giữ cháu rồi nhắc tôi đi làm đẹp, vì mẹ biết tính tôi xuề xòa sẽ quên.
Mẹ cũng dẹp những bộ đồ bộ nhăn nhúm tôi đã mặc nhiều năm và sắm cho tôi những bộ đồ mặc nhà trẻ trung, hợp thời trang, có họa tiết ngộ nghĩnh, màu sắc tươi sáng. Mẹ cũng “tịch thu” luôn những chiếc quần jeans sờn cũ và mấy chiếc áo sơ mi tối màu. Mẹ lắc đầu: “Con mặc đồ còn già hơn mẹ. Còn trẻ thì cứ diện vô tư đi con, để già như mẹ muốn mặc váy ngắn, áo crop top cũng khó”.
Mẹ chồng tôi rất vui tính, hài hước và hiện đại. Mẹ không quan niệm con dâu là phải phục tùng, phục vụ nhà chồng. Tôi vẫn nhớ, ngày tôi về ra mắt, dù chồng bảo “Cha mẹ anh vui và dễ tính lắm”, nhưng tôi vẫn phập phồng, căng thẳng khi gặp mẹ chồng. Trong lúc tôi khép nép và rón rén ngồi sát vào cuối chiếc sô pha thì bà chủ động bước tới, nắm tay tôi: “Nếu con với thằng Bình nên duyên thì mẹ sẽ không coi con là dâu (tôi chựng mấy giây) mà mẹ sẽ xem con như chị Thúy (chị chồng tôi). Mẹ chỉ cần vợ chồng con vui vẻ, hạnh phúc”. Khi đó, tôi đã cảm thấy may mắn vì gặp được người mẹ chồng quá tuyệt.
Đến ngày cưới, một sự cố xảy ra. Cha tôi bắt nhà trai phải đứng chờ bên ngoài cả tiếng đồng hồ vì chưa đến giờ tốt. Lúc đầu, 2 bên thống nhất 8g đón dâu, nhưng sáng đó, cha tôi nghe lời một bác nói giờ lành là 9g nên bắt nhà trai chờ. Khi đó, họ hàng bên nhà chồng tôi đã đổ quạu, chỉ trích gia đình tôi không biết điều, thậm chí có người đòi bỏ về. Thế nhưng, mẹ chồng tôi liền xoa dịu. Bà nói: “Cưới dâu là lấy mất con gái người ta, nên cho người ta thể hiện xíu, mình chịu khó chút cũng được mà”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chưa hết, đến lúc nhà trai về, nhà tôi nhất định không lại quả, vì cho rằng xứ tôi không có tục này dù quê chồng tôi có tục này và chờ lấy quả. Họ hàng 2 bên lời qua tiếng lại, làm tôi và chồng như ngồi trên lửa. Lúc đó, tôi cũng thấy nét mặt căng thẳng của cha mẹ chồng, nhưng rồi nhà chồng tôi cũng nhẫn nhịn ra về.
Vậy mà, sau đó gia đình chồng tôi xem như chuyện đó chưa từng xảy ra, không ai nhắc lại. Trong 8 năm là dâu của mẹ, tôi chưa từng phải “làm dâu”. Vào dịp lễ tết hoặc hè, khi vợ chồng tôi về quê thì mẹ kêu: “Con nghỉ ngơi thoải mái đi. Bình thường không có con mẹ cũng nấu cơm, nay chỉ thêm miếng gạo nên con không cần phải vào bếp”. Vì vậy, tôi thích và thấy về nhà chồng còn thoải mái hơn nhà mẹ ruột.
Khi tôi sinh, mẹ ruột bắt kiêng đủ thứ: “Không được đi ra gió, không được ăn đồ tanh - dễ bị lạnh bụng…”. Còn mẹ chồng bắt tôi ăn đủ thứ để đủ chất, khỏe mẹ khỏe con. Rồi chuyện mẹ bắt tôi làm đẹp, mẹ giữ con cho tôi ra ngoài cà phê, gặp bạn bè ngay trong thời gian ở cữ để tôi không bị stress, khiến bạn bè tôi đều ngưỡng mộ mẹ.
Nhắc đến mẹ chồng - nàng dâu, ai cũng nghĩ đến mối quan hệ như nước với lửa. Thế nhưng, tôi và mẹ chồng lại rất hòa hợp. Tôi và mẹ thoải mái trò chuyện, có thể tâm sự mọi vui buồn. Chỉ cần chia sẻ với mẹ thì sự hài hước, lạc quan của mẹ sẽ biến chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không và rửa trôi hết muộn phiền của tôi.
Chồng tôi nói vui: “Mẹ cưng em còn hơn cả anh”. Tôi nghĩ, sự gắn bó, kết nối giữa tôi và mẹ xuất phát từ sự cởi mở, chân thành, thấu hiểu, bao dung và lòng biết ơn. Tôi mang ơn cha mẹ chồng vì đã cho tôi một người bạn đời dễ thương, trách nhiệm. Mẹ chồng thì luôn nói cảm ơn tôi vì đã mang đến hạnh phúc cho con trai bà và sinh cho ông bà 2 cháu nội thông minh, đáng yêu.
Tôi tin tình cảm từ trái tim đến trái tim là có thật. Tôi luôn biết ơn và thấy may mắn khi có mẹ chồng tuyệt vời như cổ tích.
Theo phụ nữ TPHCM