|
|
Ngay sau khi thức dậy buổi sáng, nhất là vào mùa lạnh là thời điểm nguy hiểm với trái tim (Ảnh minh họa) |
Tiến sĩ Hu Xitian, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhân dân trực thuộc Đại học Y Hà Bắc (Trung Quốc), cho biết: “Mỗi cơ quan trong cơ thể đều có đồng hồ sinh học của riêng mình, trái tim cũng vậy. Muốn tim khỏe mạnh thì bạn cần biết sinh hoạt và bảo dưỡng trái tim theo đồng hồ này, tránh những thời điểm tim dễ bị tổn thương trong ngày”.
Nói kỹ hơn về điều này, Thạc sĩ Yin Zhaofang, Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhân dân số 9 thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) nhấn mạnh rằng: “Tim là cơ quan rất nhạy cảm với các mốc thời gian trong ngày. Cơ quan này có một đồng hồ sinh học bên trong thể hiện nhịp sinh học cố định, với nhịp tim nhanh hơn vào ban ngày và nhịp tim chậm hơn vào ban đêm”.
Còn Tiến sĩ Wang Zheng, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tuyên Vũ, Đại học Y Thủ đô (Trung Quốc) thì bổ sung rằng: “Các yếu tố như nhiệt độ, mức độ hoạt động thể chất… thay đổi theo từng thời điểm trong ngày cũng tác động rất lớn tới trạng thái của trái tim”.
Vì vậy, các chuyên gia này đưa ra 3 thời điểm trái tim yếu nhất, dễ bị tổn thương trong ngày mà độ tuổi nào cũng cần đặc biệt lưu ý:
1. Khi vừa thức dậy vào buổi sáng
“Mười phút sau khi vừa thức dậy vào buổi sáng là thời điểm cần đặc biệt chú trọng tới trái tim. Đây cũng là khoảng thời gian dễ xảy ra các biến chứng tim mạch, nhất là nhồi máu cơ tim nhất trong ngày” - Tiến sĩ Hu Xitian nhắc nhở.
Ông giải thích rằng nhịp tim của con người chậm lại khi đang nghỉ ngơi, sau một đêm tiêu thụ trao đổi chất, máu tương đối dính và lưu lượng máu chậm, dễ xảy ra hiện tượng tắc mạch máu. Chưa kể, sau khi thức dậy vào buổi sáng, dây thần kinh giao cảm sẽ bị kích thích bất thường, điều này sẽ làm tăng nhịp tim, huyết áp và hưng phấn. Nếu bạn di chuyển vội vàng vào thời điểm này, những nhóm có nguy cơ cao như người bị huyết áp cao, rối loạn lipid máu có thể gây ra các biến cố về tim mạch.
Lời khuyên được đưa ra là nên nằm thư giãn trên giường 3 - 5 phút sau khi dậy thay vì vội vã bật dậy khỏi giường. Nếu di chuyển hoặc vận động trong 30 phút sau khi thức dậy, cũng đừng thực hiện quá nhanh hoặc quá khó. Cũng nên mặc đủ ấm trước khi ra ngoài, thay đổi môi trường để tránh sốc nhiệt hại tim. Hãy uống một cốc nước ấm sau khi thức dậy và ăn ít đồ ăn nhiều dầu mỡ, mặn vào bữa sáng. Người bị huyết áp cao nên dùng thuốc hạ huyết áp sau khi thức dậy vào buổi sáng để ngăn ngừa sự dao động của huyết áp.
2. Từ 9 - 11 giờ
Tiến sĩ Wang Zheng cho biết: “Từ 9 tới 11 giờ sáng trái tim cũng rất dễ tổn thương. Lúc này, huyết áp ở mức cao, dây thần kinh giao cảm hưng phấn, con người sẽ cảm thấy dễ kích động, nhịp tim dễ dao động.
Đồng thời, các cơ ở trạng thái vận động linh hoạt, sự chồng chất của nhiều yếu tố có thể dẫn đến mất ổn định mảng bám và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Đặc biệt cần lưu ý với những người vốn có bệnh lý tim mạch, huyết áp cao”.
Ông đưa ra lời khuyên là nên cố gắng kiểm soát tâm trạng, không làm những việc dễ khiến đầu óc căng thẳng, cảm xúc lên xuống liên tục. Có thể đọc sách hoặc giãn cơ, thiền tại chỗ, tập hít thở, uống nước ấm để cải thiện tâm trạng và tuần hoàn máu, tăng. Bữa trưa ăn không nên ăn quá nhiều, không nên ngủ ngay sau khi ăn và nên ngủ trưa nhưng chỉ ngủ từ 15 - 30 phút.
3. Từ 15 - 17 giờ
Theo Thạc sĩ Yin Zhaofang: “Sau khi làm việc vất vả vào buổi sáng, cơ thể và não bộ đã bước vào trạng thái mệt mỏi và thiếu năng lượng. Bắt đầu từ 16 giờ chiều, huyết áp trong cơ thể con người đạt đến đỉnh điểm, dễ gây ra chứng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và các tai nạn khác.
Đặc biệt, với những người phải ngồi lâu một chỗ thường xuyên thì đây là thời điểm mà trái tim bắt đầu giảm sức chịu đựng, trao đổi chất chậm lại. Chưa kể, đây cũng được xem là thời điểm trạng thái tinh thần dễ trở nên bất ổn, khó tập trung nên cũng ảnh hưởng tới tuần hoàn máu và nhịp tim”.
|
|
Kiểm soát tâm trạng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ tim khỏe mạnh (Ảnh minh họa) |
Cách tốt nhất để trái tim luôn khỏe là hạn chế ngồi lâu một chỗ, cố gắng di chuyển hoặc đơn giản là giãn cơ tại chỗ 45 - 60 phút một lần. Có thể ăn nhẹ các món ít đường, ít dầu mỡ, ít muối và nhiều chất xơ vào thời điểm này để cung cấp năng lượng, “bồi bổ” cho tim. Bài tập thở nhẹ nhàng tại chỗ cũng là một cách để giảm gánh nặng, cung cấp thêm oxy cho tim và não.
Sau đó, hãy ăn tối sớm trước 20 giờ và nhớ là đừng ăn no quá. Yin Zhaofang cũng khuyên rằng nên tránh xa thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi ngủ, thay vào đó là đọc sách, tập thở sâu hoặc thiền. Nếu muốn uống nước, hãy uống trước khi đi ngủ 40 phút và không uống quá nhiều, uống từ từ từng ngụm nhỏ.
Ngọc Ái/Nguồn: QQ, Family Doctor