Cholesterol bao gồm cholesterol tốt được gọi là lipoprotein mật độ cao (HDL), cholesterol xấu được gọi là lipoprotein mật độ thấp (LDL), và triglyceride là một chất béo tương tự như cholesterol xấu.
Xét nghiệm máu có thể xác định xem mức cholesterol có cao hay không. Nếu cholesterol cao không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, đột quỵ và đái tháo đường…
1.Tại sao bạn bị cholesterol cao?
Cholesterol cao chủ yếu là do ăn thức ăn có quá nhiều chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.
Béo phì, lười vận động, hút thuốc và uống rượu… là nguyên nhân làm tăng cholesterol.
Tăng cholesterol có thể xuất hiện ở trẻ em, nhưng phổ biến hơn ở những người trên 40.
2.Nguy cơ tim mạch khi cholesterol cao
2.1 Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim
Cholesterol cao sẽ tích tụ chất béo trong mạch máu. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, sự tích tụ này sẽ phát triển thành mảng bám và cản trở máu lưu thông qua các động mạch. Điều này khiến tim bơm mạnh hơn, theo thời gian, có thể dẫn đến các bệnh về tim.
Một người có nguy cơ cao phát triển bệnh tim nếu mức cholesterol toàn phần cao hơn 240 mg/dL, mức LDL cao hơn 160 mg/dL và mức HDL dưới 40 mg/dL.
2.2 Hạn chế lưu lượng máu đến chân và bàn chân
Mức cholesterol cao có thể dẫn đến xơ vữa động mạch (tình trạng các động mạch trở nên hẹp và cứng). Do ảnh hưởng tới sự lưu thông máu nên có thể gây các vấn đề ở các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là chân.
Bạn có nhiều nguy cơ phát triển bệnh động mạch ngoại biên (các động mạch ở chân bị cứng làm hạn chế lưu lượng máu đến chân và bàn chân), có thể gây khó khăn cho việc đi lại. Tình trạng này còn gây đau và sưng quanh mắt cá chân.
3.Cách nào phòng ngừa cholesterol cao (mỡ máu cao)
Dưới đây là một số thay đổi lối sống có thể giúp giảm mức cholesterol một cách tự nhiên để có một cơ thể khỏe mạnh hơn.
3.1 Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với người có cholesterol cao. Cách điều trị đơn giản và hiệu quả nhất là điều chỉnh ngay trong bữa ăn hàng ngày. Những người bị mỡ trong máu cao cần biết kiểm soát ăn uống một cách nghiêm khắc.
Nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn… Đặc biệt là nên ăn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Chỉ có như vậy thì mới làm giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.
Một số thực phẩm tự nhiên có thể giúp giảm mức cholesterol như: Bột yến mạch, đậu tây, táo và cải Brussels… chứa nhiều chất xơ hòa tan làm giảm sự hấp thụ cholesterol trong máu.
Thực phẩm giàu axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi, quả óc chó và hạt lanh cũng rất tốt cho mô tim và mạch máu khỏe mạnh.
Cùng với đó, hãy cắt giảm tất cả các loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là những thực phẩm có quá nhiều muối và đường.
Bỏ rượu và thử những thức uống thay thế lành mạnh hơn sau đây có thể giúp giảm mức cholesterol cao:
- Trà xanh;
- Sữa đậu nành;
- Đồ uống yến mạch;
- Nước ép cà chua;
- Sinh tố berry;
- Đồ uống ca cao...
Thức ăn có nhiều chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ mắc cholesterol cao.
3.2 Giảm cân
Giảm cân nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì. Mang thêm trọng lượng, đặc biệt là xung quanh bụng, làm tăng tỷ lệ mỡ nội tạng, có thể ảnh hưởng đến gan. Nếu thừa cân, mức cholesterol sẽ cao hơn, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến động mạch và mạch máu.
Có thể giảm thêm cân bằng cách không ăn kiêng, nhưng thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm thực hiện các bữa ăn nấu tại nhà từ các thực phẩm tự nhiên. Ăn nhiều trái cây, rau, quả hạch, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và tập thể dục thường xuyên để giảm cân một cách lành mạnh; đồng thời đảm bảo uống nhiều nước.
3.3 Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng áp lực lên tim và ảnh hưởng tới nhịp tim, làm tăng thêm tác dụng phụ của việc tích tụ cholesterol trong và trên thành động mạch. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bỏ thuốc lá giúp cải thiện mức cholesterol HDL bằng cách cải thiện lưu thông máu và chức năng phổi.
Tin tốt là một năm sau khi bỏ hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ giảm một nửa đối với hầu hết những người từng hút thuốc. Bạn có thể bắt đầu bằng cách cắt giảm số lượng thuốc lá bạn hút và tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình để hỗ trợ hoặc có thể tìm đến chuyên gia y tế để được hướng dẫn cai thuốc lá.
3.4 Tăng cường hoạt động và tập thể dục
Tập thể dục rất quan trọng để giúp giảm mức cholesterol và bạn có thể chọn các hình thức hoạt động mình yêu thích như: Đi bộ, bơi lội, đạp xe, khiêu vũ…
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn không nên dành phần lớn thời gian trong ngày trên đi văng hoặc ghế. Thỉnh thoảng hãy đứng và di chuyển để có được hoạt động thể chất cần thiết.
Hoạt động thể chất làm tăng HDL trong máu, giúp loại bỏ LDL và giảm xơ vữa động mạch.
Các thực phẩm cần tránh
Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý cholesterol của cơ thể. Mặc dù ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng là chìa khóa để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng có một số loại thực phẩm nhất định bạn phải tránh để hạn chế sự tích tụ cholesterol xấu trong động mạch.
Một số loại thực phẩm mà bạn không nên ăn là:
- Sữa chưa tách béo
- Thịt đỏ
- Thịt đã qua chế biến
- Thực phẩm chiên
- Bánh nướng và đồ ngọt…
|
Theo suckhoedoisong.vn