Dưới đây là những sai lầm của cha mẹ hay gặp khi chăm sóc răng cho trẻ

1. Có 1 chiếc răng sữa nên không cần vệ sinh, chải răng

Khi chiếc răng đầu tiên của trẻ bắt đầu mọc, nhiều cha mẹ không chăm sóc vệ sinh, vì nghĩ không quan trọng. Điều này là sai lầm, đây là lúc cha mẹ cần chăm sóc đặc biệt hơn cho răng sữa. Thời gian đầu cha mẹ có thể vệ sinh chiếc răng sữa của trẻ bằng bàn chải đánh răng. Tốt nhất là tạo thói quen hàng ngày vệ sinh răng cho trẻ vào mỗi sáng sớm và sau mỗi bữa ăn. Sau khi trẻ ăn nên cho uống nước ngay để rửa trôi thức ăn, vừa giúp sạch răng lại giúp sạch họng, phòng được bệnh viêm họng cho trẻ.

Hằng ngày cha mẹ cũng cần vệ sinh lợi của trẻ bằng khăn sạch sau khi cho trẻ ăn. Việc này giúp loại bỏ lớp mảng bám có thể gây ra sâu răng. Chải răng hai lần mỗi ngày bằng nước và bàn chải có lông mềm.

4 sai lầm thường gặp khi chăm sóc răng cho trẻ mà cha mẹ hay mắc phải - Ảnh 2.

Nhiều cha mẹ cho rằng trong những tháng đầu đời trẻ chỉ bú sữa nên việc vệ sinh răng miệng là không cần thiết.

2. Răng sữa bị sâu không quan trọng, răng vĩnh viễn quan trọng hơn

Do chủ quan răng sữa ở trẻ không quan trọng, có sâu răng cũng không sao, nên nhiều cha mẹ không giúp trẻ vệ sinh răng miệng, điều này là sai lầm cực lớn. Việc vệ sinh, bảo vệ răng sữa cho trẻ vô cùng cần thiết. Thực tế thời gian từ khi răng sữa mọc (khoảng 2 tuổi) cho đến khi răng sữa bắt đầu thay (khoảng 6 tuổi) và đến khi răng sữa đã được thay hoàn toàn bằng răng vĩnh viễn (12 tuổi) là một khoảng thời gian khá dài.

Thời gian này răng sữa giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc ăn uống, nghiền nhai thức ăn, giúp hấp thụ tốt dinh dưỡng. Răng sữa có thể phát huy tốt chức năng nhai nuốt có lợi cho việc phát triển xương hàm bình thường. Nhưng nếu để tình trạng răng bị sâu thì trẻ sẽ đau đớn, ăn uống khó khăn, không hấp thụ hết dinh dưỡng và sẽ khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, dễ ốm yếu, kém phát triển chiều cao cũng như thể chất.

Ngoài ra, nếu trẻ bị sâu răng nghiêm trọng hoặc mất răng sớm, còn có thể gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt và khả năng phát âm của trẻ, từ đó dẫn đến tâm lý ngại giao tiếp của trẻ.

Và quan trọng hơn là răng sữa không chỉ có chức năng giữ chỗ cho răng vĩnh viễn mà còn có tác dụng định hướng cho răng vĩnh viễn mọc lên. Do đó, việc răng sữa sâu hỏng, sứt mẻ hoặc bị rụng... có thể sẽ làm lệch vị trí của các răng bên cạnh, khiến không gian của chiếc răng này bé lại hoặc biến mất, gây khó khăn cho răng vĩnh viễn mọc lên, làm cho răng vĩnh viễn mọc khó, mọc sai vị trí.

4 sai lầm thường gặp khi chăm sóc răng cho trẻ mà cha mẹ hay mắc phải - Ảnh 3.

Tạo thói quen hàng ngày vệ sinh răng cho trẻ vào mỗi sáng sớm và sau mỗi bữa ăn. Ảnh minh hoạ.

3. Không ăn đồ ngọt sẽ không sâu răng và cự tuyệt không cho trẻ ăn bánh kẹo

Thông thường nếu cho trẻ ăn vặt nhiều đồ ngọt kẹo, bánh… sẽ dẫn đến tình trạng nguy cơ sâu răng là rất cao. Vì khi ăn đồ ngọt bánh, kẹo… sẽ làm cho khoang miệng luôn trong môi trường có tính acid và việc này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn, dẫn đến trẻ dễ bị sâu răng.

Tuy nhiên, không vì thế mà cha mẹ lo sợ và tuyệt đối không cho trẻ ăn đồ ngọt, điều này khá thiệt thòi cho bé. Nếu như cho trẻ ăn đồ ngọt hợp lý và khoa học thì vẫn có thể để trẻ thưởng thức đồ ngọt mà vẫn tránh được sâu răng. Vậy việc ăn đồ ngọt thế nào để trẻ hạn chế được sâu răng là câu hỏi của nhiều cha mẹ.

Việc đầu tiên không chỉ có bánh, kẹo mới là đồ ngọt có nguy cơ gây sâu răng. Thực tế cho thấy các thực phẩm khác như bánh quy, bánh mì, cơm, mì... cùng với các loại trái cây đều có chứa hàm lượng đường nhất định. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số trẻ vẫn mắc bệnh sâu răng dù không ăn kẹo. Vì vậy, việc hạn chế cho trẻ ăn vặt ( thích ăn liên tục hằng ngày) thì cha mẹ sẽ kiểm soát bánh, kẹo đồ ngọt vào mỗi tuần hoặc một khoảng thời gian nhất định. Sau đó hướng dẫn trẻ chải răng và súc miệng kĩ.

Hơn nữa cha mẹ cần cho trẻ ăn uống hợp lý với các thức ăn khác như ăn cơm, bánh mỳ… không ăn ngậm lâu và sau khi ăn cần súc miệng, chải răng, uống nước để tránh tình trạng có thể sâu răng.

4 sai lầm thường gặp khi chăm sóc răng cho trẻ mà cha mẹ hay mắc phải - Ảnh 4.

Cần cho trẻ đi khám răng định kỳ để giúp trẻ có một hàm răng khỏe mạnh. Ảnh minh hoạ.

4. Trẻ đau răng mới đưa đi khám

Nhiều cha mẹ cho rằng thời kỳ mọc răng sữa không cần cho trẻ đi khám vì không quan trọng. Khi nào trẻ sâu răng, đau nhức mới cần đi khám, trẻ sau khi mọc răng vĩnh viễn mới cần kiểm tra. Điều này là sai lầm, vì để trẻ có 1 hàm răng khỏe mạnh và đẹp, các chuyên gia khuyến cáo cần cho trẻ đi khám răng định kỳ. Khám răng lần đầu tiên trước sinh nhật 1 tuổi để được các bác sĩ kiểm tra tình trạng răng miệng của trẻ.

Việc khám răng sớm để các bác sĩ xem xét răng miệng và răng không bị đau không có nghĩa là răng không sâu. Nếu phát hiện sớm thì việc giải quyết sẽ tránh được tình trạng sâu răng.

Cho dù sử dụng bàn chải đánh răng loại tốt nhất và đánh răng đúng cách nhất, cũng chỉ có thể loại bỏ 60 - 70% mảng bám trong khoang miệng. Trong khi đó, các mảng bám này lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh sâu răng ở trẻ. Vì vậy, cho dù bố mẹ có hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách và đều đặn, thì vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh sâu răng. Vì vậy, để giúp con mình có hàm răng chắc khỏe, các cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt hoặc phòng nha khoa uy tín để được kiểm tra định kỳ và có thể kịp thời phát hiện sâu răng, cũng như sớm tiến hành chữa trị. Theo đó, trẻ từ 0 - 5 tuổi nên kiểm tra răng mỗi 2 - 3 tháng, trẻ 6 - 12 tuổi thì nửa năm kiểm tra một lần, trẻ 12 tuổi trở lên kiểm tra răng một lần mỗi năm.

Theo suckhoedoisong.vn