leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa 

Cholesterol là một loại chất béo được sản xuất tự nhiên bởi gan. Cơ thể cần cholesterol để thực hiện nhiều chức năng sinh học, chẳng hạn như tạo ra hormone (như estrogen hoặc testosterone), hình thành màng tế bào,... Cholesterol không hòa tan trong nước nên không thể tự di chuyển qua máu mà cần dựa vào lipoprotein - gồm cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL) được tạo thành từ chất béo và cholesterol.

Trên thực tế, gan tạo ra hầu hết lượng cholesterol mà cơ thể cần hàng ngày. Nhưng nếu có quá nhiều một số loại cholesterol nhất định thì được cho là không tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng cholesterol LDL cao và cholesterol HDL thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu không được điều trị và gọi là bệnh cholesterol cao.

Cholesterol cao hiếm khi có triệu chứng sớm và nếu không được điều trị, cholesterol cao có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm:

- Bệnh tim mạch: Cholesterol cao làm tăng nguy cơ bị các bệnh liên quan đến tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

- Xơ vữa động mạch: Cholesterol có thể tích tụ thành mảng bám trong thành động mạch, làm hẹp và cứng các động mạch, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như tim và não, và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.

- Cao huyết áp: Cản trở dòng chảy của máu do mảng xơ vữa có thể làm tăng áp lực lên động mạch, dẫn đến cao huyết áp.

- Đột quỵ: Mảng xơ vữa trong mạch máu bong ra tạo thành cục máu đông, các cục máu đông này có thể chặn dòng máu đến não, gây đột quỵ.

leftcenterrightdel
Cholesterol cao có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe (Ảnh: ST) 

- Bệnh thận: Cholesterol cao cũng có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến thận, làm suy giảm chức năng thận.

- Suy tim: Trái tim phải làm việc nặng nhọc hơn khi đối mặt với huyết áp cao và động mạch bị hẹp, có thể dẫn đến suy tim.

- Bệnh động mạch ngoại vi: Cholesterol cao có thể làm hẹp các động mạch ở chân, gây đau, chuột rút và mệt mỏi khi đi bộ.

Để tránh những biến chứng này, việc duy trì mức cholesterol trong phạm vi khuyến nghị của bác sĩ là rất quan trọng. Ngoài việc duy trì tập thể dục thể thao thường xuyên, xây dựng thói quen sống và ăn uống lành mạnh, tránh hút thuốc, sử dụng thuốc hạ cholesterol nếu cần thì loại bỏ các thói quen xấu - dễ làm tăng cholesterol cũng vô cùng quan trọng. Theo Very Well Health, có 4 thói quen có thể khiến cholesterol cao gây nguy hiểm cho sức khỏe, cụ thể:

1. Thói quen ăn uống kém lành mạnh gây tăng cholesterol

Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (chất béo trans) và đường tinh luyện (đường bổ sung) có thể làm tăng nồng độ cholesterol xấu và giảm nồng độ cholesterol tốt trong cơ thể.

Đối với những người cần giảm cholesterol, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng nên giảm lượng chất béo bão hòa xuống dưới 5% đến 6% tổng lượng calo hàng ngày. Đường tinh luyện và chất béo chuyển hóa - có trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm bánh quy, bánh ngọt và khoai tây chiên hay thịt đỏ, thịt chế biến sẵn. Nếu có thể hãy tránh hoàn toàn những thực phẩm này.

leftcenterrightdel
Đồ chiên rán ở nhiệt độ cao chứa nhiều chất béo chuyển hóa có hại cho sức khỏe tim mạch (Ảnh: ST) 

Thay vào đó, nên ưu tiên chế độ ăn có nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa tách béo, thịt gia cầm, cá và các loại hạt; chọn những loại dầu thực vật không bị hydro hóa có sẵn trong tự nhiên như dầu cải, dầu cây rum, dầu hướng dương, dầu ô liu; sử dụng bơ thực vật loại chứa "0 gam (hoặc 0%) chất béo chuyển hóa trên nhãn.

2. Không quản lý và kiểm soát tốt tình trạng bệnh lý sẵn có

Một số tình trạng bệnh lý mãn tính có thể ảnh hưởng tới mức cholesterol tốt, cholesterol xấu và cholesterol toàn phần, đặc biệt là khi người bệnh không được điều trị đầy đủ. Các tình trạng sức khỏe này bao gồm:

- Bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường, tình trạng kháng insuline hoặc hội chứng chuyển hóa

Nếu bị tiểu đường, tình trạng này có thể làm mất cân bằng giữa nồng độ cholesterol HDL và LDL. Theo đó, người bị tiểu đường có xu hướng có các hạt LDL bám vào động mạch và dễ làm tổn thương thành mạch hơn. Glucose (một loại đường) bám vào lipoprotein, đây là các hạt mang cholesterol và triglycerid đến các tế bào của cơ thể. LDL phủ đường vẫn ở trong máu lâu hơn và có thể tăng hình thành mảng bám. Những người bị tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2, có thể có mức HDL thấp và mức triglyceride cao. Cả hai đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh động mạch vành.

Nếu bị tiểu đường và có mức cholesterol tốt thấp nhưng mức cholesterol xấu và triglyceride cao, bạn đang mắc phải tình trạng gọi là rối loạn lipid máu do tiểu đường. Theo WebMD, có tới 70% số người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị rối loạn lipid máu do tiểu đường.

Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có lượng đường trong máu được kiểm soát thường có mức cholesterol bình thường. Tuy nhiên, nếu họ bị thừa cân hoặc béo phì thì nhóm này cũng có nhiều khả năng bị cholesterol cao.

- Béo phì

Theo WebMD, thì cứ mỗi 4,5 kilogam thừa có thể khiến cơ thể người bị béo phì sản xuất thêm tới 10 miligam cholesterol mỗi ngày. Hay nói cách khác, cân nặng càng thừa thì nguy cơ có quá nhiều cholesterol xấu trong máu càng tăng do lượng axit béo tự do được đưa đến gan cao hơn. Đồng thời người béo phì có thể gặp phải tình trạng viêm khắp cơ thể, từ đó ảnh hưởng tới cách cơ thể bạn quản lý HDL và các lipoprotein khác.

Giảm cân có thể giúp giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Trong một nghiên cứu, những người giảm ít nhất 5% trọng lượng cơ thể đã giảm đáng kể mức LDL, tổng lượng cholesterol và triglyceride.

- Suy giáp

Hormone tuyến giáp giúp gan xử lý máu. Khi bị suy giáp, cơ thể không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Điều này có thể làm tăng mức cholesterol trong máu do gan xử lý máu chậm hơn. Điều đó có thể gây ra sự tích tụ cholesterol trong động mạch. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy ngay cả mức hormone tuyến giáp chỉ thấp một chút cũng có thể gây ra sự gia tăng đột biến cholesterol.

Tin tốt là, điều trị bệnh tuyến giáp có thể cải thiện mức cholesterol.

- Bệnh thận

Khi xem xét mối liên hệ giữa chức năng thận và cholesterol, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tổng lượng cholesterol cao và LDL cao, xuất hiện thường xuyên hơn ở người có chức năng thận kém. Những người mắc bệnh thận có nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao hơn.

Khi thận không hoạt động tốt, nó cũng làm thay đổi cách cơ thể xử lý cholesterol và các lipid khác. Vì vậy, bệnh thận và cholesterol cao thường đi kèm với nhau.

3. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc để điều trị các tình trạng bệnh lý khác có thể gây ra tình trạng tăng nhẹ mức cholesterol LDL. Bao gồm các loại thuốc như thuốc lợi tiểu thiazide (dùng để loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể), estrogen và progesterone (dùng trong liệu pháp thay thế hormone), thuốc chống loạn thần không điển hình, thuốc chẹn beta và một số loại thuốc điều trị HIV. Trong một số trường hợp, tình trạng tăng này chỉ là tạm thời.

Nếu nghi ngờ kết quả tăng cholesterol của mình là do tác dụng phụ của thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn giảm liều hoặc cách đối phó, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hay giảm liều khi chưa có chỉ định của bác sĩ - điều này có thể khiến triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn và kéo dài thời gian phục hồi.

leftcenterrightdel
Một số loại thuốc để điều trị các tình trạng bệnh lý khác có thể gây ra tình trạng tăng nhẹ mức cholesterol LDL (Ảnh: ST) 

4. Thói quen sinh hoạt kém lành mạnh

Những thói quen hàng ngày có thể tác động đáng kể tới tình trạng sức khỏe của một người. Trong đó, một số yếu tố lối sống có thể khiến mức cholesterol của một người tăng cao, bao gồm:

- Không thường xuyên tập thể dục, lười vận động khiến cơ thể không sản xuất đủ cholesterol HDL và không thể theo kịp việc loại bỏ các chất lắng đọng như cholesterol xấu khỏi hệ thống mạch máu.

- Không ngủ đủ giấc

Theo WebMD, trong một nghiên cứu trên 2.705 người lớn, những người có xu hướng ngủ quá ít mỗi đêm có nhiều khả năng có lượng triglyceride cao và lượng HDL thấp, trong khi mức LDL không bị ảnh hưởng bởi thời gian ngủ. Nhưng người ngủ 8 tiếng mỗi đêm có lượng HDL cao nhất.

Nếu không ngủ đủ giấc, các hormone chính có thể bị mất cân bằng. Cơ thể có thể sản xuất quá nhiều hormone gây căng thẳng cortisol và hormone tăng cảm giác thèm ăn ghrelin nhưng lại sản xuất quá ít leptin - một hormone điều chỉnh cân nặng cơ thể. Sự mất cân bằng hormone này cũng có thể khiến cholesterol của bạn mất cân bằng.

Chất lượng giấc ngủ kém cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ cholesterol. Những người bị gián đoạn giấc ngủ do chứng ngưng thở khi ngủ thường có tổng lượng cholesterol, cholesterol LDL và triglyceride cao trong máu cùng mức cholesterol HDL thấp. Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ cũng có xu hướng thừa cân, điều này có thể dẫn đến cholesterol cao.

- Hút thuốc lá

Hút thuốc gây ra những tác động tiêu cực đáng kể tới cơ thể như tổn thương phổi, tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi và ung thư phổi cũng như tăng rủi ro gặp các biến cố tim mạch. Phổi có thể hấp thụ hơi thoát ra từ khói thuốc lá khiến mức cholesterol tốt giảm, tăng mức cholesterol xấu; làm máu đặc hơn và dính hơn; phá hủy các tế bào lót mạch máu và động mạch đồng thời gây hẹp mạch máu.

Theo Healthline, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, một hợp chất gọi là acrolein có trong khói thuốc lá có tác động mạnh hơn tới mức cholesterol trong cơ thể bằng cách ngăn cản cholesterol HDL trong máu vận chuyển cholesterol LDL ra khỏi động mạch và tới gan.

Điều này có nghĩa là, hút thuốc lá không chỉ làm tăng sự tích tụ cholesterol xấu mà còn làm suy yếu khả năng phục hồi tổn thương do LDL gây ra của cholesterol HDL.

- Mức độ căng thẳng cao

Mức cortisol cao do căng thẳng kéo dài có thể là cơ chế đằng sau cách căng thẳng có thể làm tăng cholesterol. Adrenaline cũng có thể được giải phóng và các hormone này có thể kích hoạt phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy" để đối phó với căng thẳng. Phản ứng này sau đó sẽ kích hoạt triglyceride, có thể làm tăng cholesterol xấu.

Điều quan trọng là hiểu rõ những thói quen kém lành mạnh này và thay đổi chúng để cải thiện nồng độ cholesterol và sức khỏe tim mạch cũng như giảm nguy cơ bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần, ung thư, bệnh cơ xương khớp,...

Ngoài bốn thói quen có thể làm tăng cholesterol kể trên thì tình trạng này có thể được di truyền từ cha, mẹ hoặc cả hai. Nguyên nhân phổ biến nhất là đột biến ở gen mã hóa thụ thể LDL (LDLR). Những thủ phạm khác là đột biến ảnh hưởng đến gen apolipoprotein B (APOB), proprotein convertase subtilisin/kexin loại 9 (PCSK9) và protein thích ứng thụ thể LDL1 (LDLRAP1).

Nếu có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc bệnh tim mạch, hãy nói về điều này với bác sĩ khi thực hiện các kiểm tra sức khỏe để được hướng dẫn cách theo dõi và lịch thăm khám định kỳ giúp phát hiện sớm những dao động về nồng độ cholesterol trong cơ thể và bắt đầu quản lý, điều trị sớm cũng như ngăn ngừa những tác động của tình trạng tăng cholesterol tới sức khỏe.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch thì các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên giữ chỉ số cholesterol ở mức lý tưởng như sau:

- Tổng lượng cholesterol: Từ 125 đến 200 miligam trên decilit (mg/dL).

- Cholesterol LDL (xấu): Dưới 100 mg/dL.

- Cholesterol HDL: Lớn hơn 40 mg/dL đối với nam giới và 50 mg/dL đối với nữ giới.

- Triglyceride: Dưới 150 mg/dL.

Châu Anh/Nguồn: Healthline, Very Well Health