1. Đi bộ nhanh làm giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ

Bước vào độ tuổi 40, vỏ não bắt đầu mỏng đi, các triệu chứng nhớ rồi quên, nhớ mang máng bắt đầu xảy ra ngày càng phổ biến. Nguyên nhân của sự suy giảm trí nhớ này là do lão hoá. Khi chụp não bộ, người ta thấy vùng hồi hải mã, vùng có liên quan nhiều đến trí nhớ, bị suy giảm thể tích. Chúng co lại, nhỏ đi, mỏng bớt khiến trí nhớ kém dần.

Mặc dù không thể đảo ngược lão hóa, nhưng việc duy trì lối sống lành mạnh - ngủ đủ giấc, vận động hợp lý, từ bỏ các thói quen gây hại - có thể giúp trì hoãn tốc độ lão hóa thần kinh.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, đi bộ nhanh là một trong những liệu pháp mang lại tác động tích cực đến sức khỏe não bộ. Hoạt động này tăng cường lưu lượng máu đến não, kích thích giải phóng các yếu tố dinh dưỡng thần kinh như BDNF, từ đó tăng cường khả năng linh hoạt và kết nối giữa các tế bào thần kinh.

Nhờ vào việc được thúc đẩy hoạt động tích cực, não bộ sẽ nâng cao khả năng xử lý thông tin và tạo ra các kết nối thần kinh mới. Điều này góp phần ngăn ngừa bệnh suy giảm trí nhớ và các bệnh liên quan đến sa sút trí tuệ, chẳng hạn như Alzheimer.

6 lý do phụ nữ trung niên nên đi bộ nhanh- Ảnh 1.

Đi bộ nhanh là một trong những liệu pháp mang lại tác động tích cực đến sức khỏe não bộ.

2. Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường

Những phát hiện gần đây được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tốc độ đi bộ và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc duy trì tốc độ đi bộ nhanh, đặc biệt là trên 4 km/h, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh này. Hơn nữa, cứ tăng thêm mỗi km/giờ, nguy cơ sẽ giảm 9%.

Do đó, việc khuyến khích mọi người đi bộ nhanh thành thói quen hàng ngày như một chiến lược thiết thực để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường. Mặc dù việc tăng tổng thời gian đi bộ vẫn có lợi nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, tốc độ đi bộ nhanh hơn có thể nâng cao hơn nữa lợi ích cho sức khỏe.

Đối với người bệnh đái tháo đường, thói quen di chuyển nhiều hơn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc kiểm soát tình trạng bệnh của mình. Bằng cách đi bộ nhanh, bạn có thể tăng cường sức chịu đựng, đốt cháy lượng calo dư thừa và giúp tim khỏe mạnh hơn, làm cho cơ thể sử dụng insulin hiệu quả, giúp thư giãn, giảm mức độ căng thẳng và các triệu chứng của trầm cảm, lo lắng, cải thiện giấc ngủ…

3. Đi bộ nhanh phòng ngừa loãng xương

Loãng xương xảy ra khi mật độ các khoáng chất trong xương trở nên rỗng hơn, làm tăng nguy cơ bị gãy xương. Phụ nữ có tỷ lệ mắc loãng xương cao hơn nam giới do cấu tạo xương nhỏ và mỏng. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ trên 40 tuổi là đối tượng dễ bị loãng xương nhất. Tình trạng này xảy ra ở nữ cao gấp 4 lần so với nam giới.

Đi bộ nhanh với vận tốc 3-5km/giờ, tối thiểu ba ngày mỗi tuần được chứng minh có thể giúp xương trở nên đặc và khỏe mạnh hơn. Hoạt động này hỗ trợ tăng cường khả năng hấp thu photpho và canxi ở xương, giúp cải thiện đáng kể mật độ khoáng xương.

Đi bộ nhanh sẽ kích thích các chất lắng đọng canxi và thúc đẩy các tế bào hình thành xương hoạt động hiệu quả. Trong quá trình đi bộ, các cơ gắn với xương sẽ co bóp liên tục, nhờ vậy củng cố cả hệ khung xương của cơ thể, giảm nguy cơ loãng xươngvà gãy xương.

4. Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ

Theo báo cáo của Harvard Health, đi bộ khoảng 21 phút mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim đến 30%. Bất cứ ai cũng có thể hưởng lợi từ thói quen đi bộ đều đặn. Những người có nguy cơ tim mạch tối thiểu hoặc không có nguy cơ mắc bệnh có thể ngăn ngừa bệnh tật.

Trong khi đó, những người đối mặt với các vấn đề như tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường hoặc béo phì... có thể lựa chọn đi bộ để đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe, đồng thời ngăn ngừa đột quỵ hoặc cơn đau tim trong tương lai.

6 lý do phụ nữ trung niên nên đi bộ nhanh- Ảnh 3.

Bất cứ ai cũng có thể hưởng lợi từ thói quen đi bộ đều đặn.

5. Ngăn ngừa giãn tĩnh mạch

Khi đi bộ, cơ bắp chân hoạt động như một "chiếc bơm", giúp đẩy máu về tim một cách trơn tru. Khi bạn bước chân, gót chân được nhấc lên, máu từ các tĩnh mạch nhỏ ở phía dưới gót chân và bàn chân sẽ bắt đầu đẩy lên các tĩnh mạch sâu ở cẳng chân.

Trong quá trình này, hoạt động co cơ của cẳng chân sẽ đẩy dòng máu về các tĩnh mạch ở vùng đùi và dòng máu sẽ tiếp tục lên trên, trở về tim. Vì vậy, bài tập này tác động tích cực đến việc cải thiện tuần hoàn, giảm ứ đọng và áp lực lên tĩnh mạch, từ đó ngăn ngừa các vấn đề về giãn tĩnh mạch ở các chi dưới.

6. Giảm nguy cơ mắc ung thư vú

Nguy cơ ung thư vú gia tăng theo độ tuổi, đặc biệt là nhóm ngoài 40 tuổi. Bên cạnh việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, đi bộ nhanh còn là một bài tập hữu ích giúp đẩy lùi nguy cơ mắc phải căn bệnh quái ác này.

Đi bộ nhanh giúp điều hòa nồng độ estrogen, giảm sự tăng lên của các tế bào mô mỡ trong cơ thể - vốn là yếu tố kích thích sản sinh ra nhiều estrogen và testosteron gây đảo lộn nồng độ hormon và thúc đẩy tế bào ung thư phát triển.

Theo suckhoedoisong.vn