1. Nguyên nhân sinh bệnh viêm gan
Thường gặp có 5 loại virus có thể gây bệnh viêm gan cấp là: Viêm gan A, B, C, D, E. Trong đó các virus gây viêm gan B, C, D, có thể gây viêm gan mạn tính.
Viêm gan A, E chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêu hóa, dễ xảy ra thành vụ dịch, gặp nhiều ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, thanh thiếu niên. Vụ dịch lưu hành dễ lây truyền ở nơi vệ sinh cộng đồng, cá nhân thấp. Tuy nhiên bệnh thường diễn biến nhẹ, khi khỏi là khỏi hoàn toàn không thành viêm gan mạn tính.
Viêm gan B, C, D chủ yếu lây nhiễm qua đường máu, đặc biệt là virus B vì tính phổ biến, diễn biến nặng ở thể cấp tính và có nguy cơ cao dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan. Trong viêm gan virus C, 70% khả năng dẫn đến viêm gan mạn tính, 20% dẫn đến xơ gan, ung thư gan (đối với loại virus này chưa có vaccin phòng bệnh).
Điều trị viêm gan mạn tính ngăn ngừa xơ gan, ung thư gan
Cách phòng chống viêm gan do virus là chặn đường lây bệnh. Ví dụ, đối với bệnh viêm gan lây qua đường tiêu hóa, thực hiện ăn chín uống sôi, khử khuẩn quần áo, chăn màn, đồ dùng nói chung. Viêm gan virus lây qua đường máu, cần dùng riêng dụng cụ y tế như bơm kim tiêm, kim châm cứu, dụng cụ làm móng tay, cây lấy ráy tai, bàn chải răng, dao cạo râu…
Các loại viêm gan do nguyên nhân khác: Do rượu, gan nhiễm mỡ, gan nhiễm độc... cũng chuyển sang viêm gan mạn tính. Nhưng nếu bỏ được tác nhân gây viêm gan do rượu, điều trị phục hồi chức năng gan tích cực có thể khỏi sau một thời gian điều trị. Nếu bị viêm gan nhẹ sau 6 tháng điều trị tích cực có thể khỏi được bệnh.
2. Bài thuốc điều trị viêm gan mạn tính
Theo y học cổ truyền, viêm gan mạn tính có thể chia ra thành hai thể chủ yếu:
2.1 Viêm gan mạn tính thể can nhiệt, tì thấp
Viêm gan vàng da kèm theo các biểu hiện miệng đắng, không muốn ăn, bụng đầy chướng, miệng khô nhớt, tức ngực và sườn, nóng, đau nhiều ở vùng gan, da vàng, nước tiểu vàng, táo, lưỡi đỏ, mạch huyền... Có thể dùng một trong số bài thuốc sau đây :
Bài 1: Nhân trần 20g, chi tử 12g, uất kim 8g, ngưu tất 8g, đinh lăng 12g, hoài sơn 12g, ý dĩ 16g, bạch biển đậu 12g, rễ cỏ tranh 12g, sa tiền tử 12g, ngũ gia bì 12g. Các vị thuốc sắc với 750ml nước, sắc kỹ còn 250ml, chia 3 phần, uống trong ngày.
Bài 2: Nhân trần 20g, bạch truật 12g, phục linh 12g, trư linh 8g, trạch tả 12g, xa tiền tử 12g, đảng sâm 16g, ý dĩ 12 g. Các vị thuốc sắc với 600ml nước, sắc kỹ còn 200ml, chia 2 phần, uống trong ngày.
Bài 3: Hoàng cầm 12g, hoạt thạch 12g, đại phúc bì 12g, phục linh 8g, trư linh 8g, bạch đậu khấu 8g, kim ngân hoa 16g, mộc thông 12g, nhân trần 20g, cam thảo 4g. Các vị thuốc sắc với 750ml nước, sắc kỹ còn 250ml, chia 3 phần, uống trong ngày.
Vị thuốc sài hồ trong bài thuốc trị viêm gan do can uất, tỳ hư, khí trệ
2.2 VIêm gan mạn tính thể can uất, tì hư, khí trệ
Biểu hiện mạng sườn phải đau, ngực sườn đầy tức, miệng đắng, ăn kém, người mệt, phân nát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền.
Có thể dùng một trong số bài thuốc sau đây:
Bài 1: Rau má 12g, mướp đắng 12g, thanh bì 8g, chỉ thực 8g, uất kim 8g, hậu phác 8g, ý dĩ 16g, hoài sơn 16g, bạch biển đậu 12g, đinh lăng 16g. Các vị thuốc sắc với 750ml nước, sắc kỹ còn 250ml, chia 3 phần, uống trong ngày.
Bài 2: Sài hồ 12g, bạch thược 8g, chỉ thực 6g, xuyên khung 8g, hậu phác 6g, cam thảo 6g, đương quy 8g, đại táo 8g. Các vị thuốc sắc với 600ml nước, sắc kỹ còn 200ml, chia 2 phần, uống trong ngày.
Bài 3: Bạch truật 12g, đảng sâm 12g, phục linh 8g, cam thảo 6g, trần bì 6g, bán hạ chế 8g, sài hồ 12g, bạch thược 12g. Các vị thuốc sắc với 600ml nước, sắc kỹ còn 200ml, chia 2 phần, uống trong ngày.
Bài 4: Sài hồ 12g, bạch thược 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo 4g, gừng sống 2g, uất kim 8g, khổ luyện tử 8g, diễn hồ sách 8g. Các vị thuốc sắc với 750ml nước, sắc kỹ còn 250ml, chia 3 phần, uống trong ngày.
Theo suckhoedoisong.vn