1. Đặc điểm của kim ngân
Kim ngân còn có tên gọi khác là nhẫn đông. Tên khoa học Lonicera japonica Thunb, thuộc họ Cơm cháy Caprifoliaceae.
Các bộ phận dùng làm thuốc gồm:
- Hoa kim ngân hay kim ngân hoa (Flos Lonicerae) là hoa phơi hay sấy khô của cây kim ngân;
- Cành và lá kim ngân – Caulis cum folium Lonicerae – là cành và lá phơi hay sấy khô của cây kim ngân.
Kim ngân là một loại cây mọc hoang tại nhiều tỉnh vùng núi nước ta, nhiều nhất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Theo các tài liệu cổ, kim ngân vị ngọt, tính hàn (lạnh), không độc, vào 4 kinh phế, vị, tâm và tỳ; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dùng chữa sốt, mụn nhọt, tả lỵ, giang mai. Những người tỳ vị hư hàn không có nhiệt độc không nên dùng.
Về thành phần hoạt chất, kim ngân hoa có các flavonoid: Luteolin, lonicerin; tannoid và chất sáp... Tác dụng kháng virus, vi khuẩn, chống viêm hạ sốt, điều hòa chức năng miễn dịch, giảm mỡ máu, làm tăng cường nhu động ruột, tăng tiết dịch vị và dịch mật.
Trên thực tế lâm sàng, kim ngân thường được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, sốt nóng, sốt rét, tả lỵ. Trên cơ sở thực nghiệm, kim ngân được mở rộng chữa các trường hợp viêm mũi dị ứng, thấp khớp và một số trường hợp dị ứng khác.
Ngày dùng 4-6g hoa hay 10-12g cành lá dưới dạng thuốc sắc, hay thuốc cao hoặc rượu thuốc.