Lái xe đã trở thành một kỹ năng thiết yếu trong xã hội ngày nay để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc, kết nối xã hội và cuộc sống hàng ngày. Nhưng nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thị giác, nhận thức hoặc vận động cần thiết để lái xe an toàn.

Bất kỳ loại thuốc nào có tác động đến đến hệ thần kinh trung ương đều có khả năng làm suy giảm khả năng vận hành xe cơ giới của một cá nhân. Mức độ suy giảm khác nhau giữa các loại thuốc trong cùng một nhóm điều trị và khi kết hợp với các loại thuốc khác hoặc rượu. Sự kết hợp của các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa và bài tiết thuốc, tạo ra các tương tác cộng hưởng hoặc hiệp đồng.

Các tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe như buồn ngủ, mờ mắt, lờ đờ, phản ứng chậm đến các tác dụng phụ ngoại tháp. Vì vậy, khi kê đơn thuốc có thể làm giảm khả năng lái xe, bác sĩ nên tư vấn cho bệnh nhân về các tác dụng phụ này.

7 loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng lái xe cần lưu ý - Ảnh 1.

Lái xe là một kỹ năng thiết yếu trong xã hội ngày nay.

Dưới đây là danh sách một số loại thuốc có khả năng gây ảnh hưởng và các khuyến nghị liên quan đến việc lái xe cơ giới.

1. Thuốc kháng histamine

Các thuốc kháng histamine thế hệ cũ như diphenhydramine và chlorpheniramine có tác dụng rõ rệt đối với hệ thần kinh trung ương.

Thuốc kháng histamine có tác dụng phụ an thần đã được chứng minh là làm giảm hiệu suất tâm thần vận động, lái xe mô hình và lái xe trên đường giao thông. Do đó, những người dùng thuốc kháng histamine không nên lái xe khi đang dùng thuốc.

2. Thuốc điều trị tăng huyết áp

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc trị tăng huyết áp là choáng váng, chóng mặt và mệt mỏi, cùng với các đặc tính của thuốc có thể làm giảm hiệu suất lái xe.

Ngoài ra, thuốc điều trị tăng huyết áp có tác dụng nổi bật lên hệ thần kinh trung ương, bao gồm thuốc chẹn beta và thuốc cường giao cảm như clonidine, guanfacine và methyldopa, có thể gây an thần, lú lẫn, mất ngủ và căng thẳng.

Những người dùng thuốc hạ huyết áp nên được khuyến cáo thuốc có thể gây ảnh hưởng đến việc lái xe.

7 loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng lái xe cần lưu ý - Ảnh 2.

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc hạ huyết áp là choáng váng, chóng mặt.

3. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

NSAID là một lựa chọn phổ biến để giảm đau, viêm và sốt. Các thuốc NSAID thường không được cho là ảnh hưởng đến việc lái xe và nhận thức, mặc dù vậy, vẫn nên thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng khi sử dụng các thuốc NSAID như ibuprofen, naproxen và indomethacin. Vì chóng mặt, buồn ngủ và mờ mắt là những hiệu ứng có thể xảy ra.

4. Thuốc giãn cơ

Hầu hết các thuốc giãn cơ như carisoprodol và cyclobenzaprine đều có tác dụng đáng kể lên hệ thần kinh trung ương. Người lái xe nên được khuyến cáo về các tác dụng phụ và không nên lái xe trong giai đoạn đầu điều chỉnh liều lượng.

5. Thuốc chống co giật

Nên tạm thời ngừng lái xe trong thời gian bắt đầu sử dụng thuốc chống co giật, ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng do nguy cơ co giật tái phát và các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe.

Nếu có nguy cơ co giật tái phát trong quá trình ngừng hoặc thay đổi thuốc, cá nhân đó nên ngừng lái xe trong ít nhất 3 tháng.

6. Thuốc chống trầm cảm

Suy giảm khả năng lái xe khác nhau giữa các nhóm thuốc chống trầm cảm khác nhau và ngay cả trong một số nhóm thuốc chống trầm cảm nhất định. Nói chung, các thuốc chống trầm cảm có hoạt tính đối kháng các thụ thể cholinergic là gây ảnh hưởng nhất.

Các cá nhân nên được khuyến cáo không lái xe trong giai đoạn đầu khi điều chỉnh liều lượng thuốc chống trầm cảm nếu thấy buồn ngủ, choáng váng hoặc các tác dụng phụ khác có thể làm giảm hiệu suất lái xe.

7. Chất kích thích

Các tác dụng phụ thường gặp của chất kích thích (amphetamine và methylphenidate) có thể ảnh hưởng đến hiệu suất lái xe bao gồm hưng phấn, hồi hộp, cáu kỉnh, lo lắng, mất ngủ, đau đầu và tác dụng phụ khi chất kích thích hết tác dụng.

Người lái xe cần nhận thức về các tác dụng phụ này và khuyến cáo không nên lái xe khi sử dụng chất kích thích.

Theo suckhoedoisong.vn