"Mùa hạ dưỡng dương, mùa đông dưỡng âm, hiểu lẽ vô thường, an yên vui sống".
Mùa hè là mùa của dương khí phát tiết ra ngoài cũng giống như cây cỏ mùa hè, sinh trưởng và phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Dương khí con người cũng vậy, mùa hè phát tiết thông qua lao động, làm việc, tập thể dục để tiết mồ hôi, thải độc cơ thể.
Tuy nhiên ngày nay, chúng ta thường xuyên ngồi điều hòa máy lạnh, uống nước đá quá nhiều, uống các loại nước giải khát quá lạnh, chẳng những làm cho dương khí không phát tiết ra được theo tự nhiên của nó mà những đồ ăn đồ uống lạnh đó còn làm tổn thương đến dương khí, làm tổn hại đến khí của tỳ vị.
Từ xa xưa ông cha ta đã biết cách tạo ra các món ăn thích hợp để dưỡng sinh cho mùa hè vô cùng tuyệt vời. Một trong những món ăn đó là cháo.
Cho tới ngày nay, chúng ta vẫn thường dùng cháo để vừa làm món ăn bồi bổ, tăng cường sức khỏe, nâng cao khả năng chống đỡ bệnh tà của con người, vừa để dưỡng sinh phòng bệnh mùa hè hiệu quả.
Cháo vừa là món ăn dễ tiêu, dễ hấp thu lại vừa là nguồn cung cấp nước và điện giải rất tốt cho cơ thể trong những ngày hè oi bức dễ gây hao tổn tân dịch. Xin giới thiệu một số loại cháo giải nhiệt mùa hè vừa dễ thực hiện lại vừa mang giá trị dinh dưỡng cao.
1. Cháo bí đao giải nhiệt mùa hè
Công thức 1:
- Nguyên liệu: Bí đao 80 - 100g, gạo tẻ 100g.
- Cách làm: Bí đao gọt vỏ rửa sạch, thái miếng nhỏ, cho vào nồi cùng với gạo tẻ, cho vào lượng nước thích hợp, nấu thành cháo là được. Nêm nếm gia vị vừa ăn.
- Công dụng: Thanh nhiệt, chỉ khát, sinh tân và lợi niệu.
Công thức 2:
- Nguyên liệu: 150g gạo tẻ, 80g tôm tươi, 100g bí đao, ½ thìa hành tỏi tăm, hành lá, rau mùi tàu vừa đủ.
- Cách làm:
Bước 1: Tôm tươi rửa sạch, lột vỏ, để riêng vỏ, bỏ chỉ đen, sau đó băm nhỏ phần thịt.
Bước 2: Bí đao gọt bỏ vỏ và hạt, rửa sạch, thái mỏng. Hành lá, mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 3: Cho dầu ăn vào nồi, làm nóng, phi thơm hành tỏi băm, cho phần vỏ tôm vào nấu sôi lấy nước dùng.
Bước 4: Nước sôi vớt bỏ bọt và vỏ tôm. Cho gạo vào, bật lửa nhỏ nấu cháo. Cháo sôi, tiếp tục cho bí xanh vào nấu cho mềm, sau đó trút phần thịt tôm vào nấu cháo sôi trở lại.
Bước 5: Cho thêm chút nước mắm, nêm nếm vừa ăn, cho hành lá xắt nhuyễn vào. Múc cháo ra bát và thưởng thức.
- Công dụng: Bí xanh tính mát, giúp thanh nhiệt, giảm tác hại của nắng nóng. Tôm là thực phẩm giàu đạm, canxi và nhiều khoáng chất. Kết hợp với nhau giúp giải nhiệt, bổ sung tân dịch, bổ sung dinh dưỡng toàn vẹn.
2. Cháo lá sen
- Nguyên liệu: Lá sen tươi (1 lá nặng khoảng 200g), gạo lứt 100g.
- Cách làm: Vo gạo sạch, cho nước vào nấu cháo. Khi cháo gần chín, lấy lá sen rửa sạch úp trùm lên cháo, ninh khoảng 15 phút, lấy lá sen ra. Cháo có màu xanh nhạt, nấu sôi thêm một lúc là được. Nêm nếm cho phù hợp và thưởng thức.
- Công dụng: Giải nhiệt, sinh tân, chỉ khát.
3. Cháo sơn dược thịt dê bí đao
- Nguyên liệu: Gạo tẻ, thịt dê, mỗi loại 50g; bí đao 150g, sơn dược (hoài sơn, củ mài) 100g; gia vị vừa miệng.
- Cách làm: Thịt dê băm nhỏ, bí đao bỏ vỏ, sơn dược thái thành miếng nhỏ. Gạo tẻ cho lượng vừa nước nấu cháo, nấu đến lúc sôi đều, cho thịt dê đã băm, bí đao, sơn dược vào cùng nấu. Đợi sơn dược, bí đao chín nhừ, nêm gia vị vào là được.
- Công dụng: Thanh nhiệt, sinh tân, kiện tỳ vị.
4. Cháo thịt trai
- Nguyên liệu: Thịt trai 100g, gạo tẻ 50g, ½ thìa cà phê hành tỏi, lượng vừa gia vị.
- Cách làm: Rửa sạch thịt trai rồi thái nhỏ. Phi thơm hành tỏi, cho thịt trai vào xào trước. Gạo tẻ cho vào nồi với lượng nước thích hợp. Cháo sôi thì cho phần thịt trai đã xào vào nấu cùng, nấu cho đến lúc cháo chín nhừ, nêm gia vị phù hợp khẩu vị và thưởng thức.
- Công dụng: Thanh nhiệt, trừ phiền khát.
5. Chao ngao mồng tơi
- Nguyên liệu: Ngao sống: 300g, mồng tơi: 50g, 50g gạo tẻ, gia vị, dầu ăn.
- Cách làm:
Bước 1: Ngao ngâm nước khoảng 2 giờ để thải hết chất bẩn.
Bước 2: Rửa thật sạch ngao, cho vào nồi nước đun tới khi ngao há miệng.
Bước 3: Gạn nước luộc ngao ra tô, để riêng. Nhặt ruột ngao.
Bước 4: Cho gạo vào nước luộc ngao nấu thành cháo.
Bước 5: Cho mồng tơi và ruột ngao vào nấu sôi khoảng 5 phút, cho một chút muối vào đảo đều. Múc ra bát và thưởng thức.
- Công dụng: Ngao là nguồn thực phẩm dinh dưỡng cao, rất giàu kẽm, phốt pho, kali, đạm, vitamin A và sắt. Mùng tơi tính lạnh, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, hoạt tràng. Món cháo này vừa dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa lại giải nhiệt rất hiệu quả.
6. Cháo đậu đỏ ý dĩ
- Nguyên liệu: Đậu đỏ 15g, ý dĩ 30g, thịt lợn nạc 50g, gạo tẻ 50g.
- Cách làm: Rửa sạch thịt, thái miếng băm nhỏ thịt. Vò sạch gạo cho vào nồi nước nấu sôi cho tiếp đậu đỏ, ý dĩ, thịt băm vào nồi, hầm cho đến lúc cháo nhừ, nêm nếm gia vị thích hợp rồi thưởng thức.
- Công dụng: Ý dĩ có tác dụng kiện tỳ lợi thấp, phối hợp cùng đậu đỏ, gạo tẻ có tác dụng thanh nhiệt hành thủy.
7. Cháo vịt đậu xanh
- Nguyên liệu: Vịt 1 con 1,5kg; gạo tẻ: 200g; đậu xanh: 200g; gừng tươi: 3 củ; hành tím: 2 củ; hành lá, mùi tàu: 100g, rượu trắng: 2 thìa cà phê; các loại gia vị: gia vị, đường, nước mắm.
- Cách làm:
Bước 1: Giã nát củ gừng trộn đều với rượu trắng rồi chà xát quanh mình vịt để khử mùi hôi.
Bước 2: Các loại rau thơm đem rửa sạch, thái nhỏ mùi tàu, hành lá.
Bước 3: Đun sủi lăn tăn 3 lít nước rồi cho 1/2 thìa cà phê muối tinh cùng củ gừng đập dập vào, thả vịt vào luộc chín.
Bước 4: Vớt vịt ra để nguội rồi lọc thịt, xé nhỏ hoặc bằm nhuyễn.
Bước 5: Cho gạo và thịt vịt vào nồi nước luộc vịt đun sôi khoảng 30 phút thì cho đậu xanh vào ninh lửa nhỏ khoảng 1 giờ.
Bước 6: Nêm gia vị, hành lá, mùi tàu vào đảo đều rồi bắc ra và thưởng thức.
- Công dụng: Thịt vịt tính hàn, có tác dụng tư âm, dưỡng vị phối hợp với đậu xanh là loại hạt có tác dụng giải nhiệt độc hiệu quả.
Theo suckhoedoisong.vn