1. Thành phần dinh dưỡng của bánh trung thu
Mỗi dịp Tết Trung thu có rất nhiều dòng sản phẩm bánh trung thu phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Bánh trung thu rất ngọt và béo ngậy, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng. Trong bánh có rất nhiều đường và chất béo, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng, để tạo nên hương vị đặc trưng và còn là một biện pháp để bảo quản bánh.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thành phần dinh dưỡng của 1 chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170 gam cung cấp 566 Kcal, 16,3g đạm, 6,6 g lipid, 110,2g glucid; 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648 Kcal (năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò). Còn trong 1 cái bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706 kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; 1 chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g cung cấp 648 Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid.
2. Bánh trung thu tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm
Bánh trung thu là một sản phẩm bao gồm rất nhiều loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc),... Trong đó mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ví dụ: thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh (nấm mốc, tụ cầu, tả, lỵ,...), nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo màu cấm sử dụng,...).
Theo TS. Nguyễn Quốc Anh - Phó trưởng Khoa Vi sinh thực phẩm & Sinh học phân tử - Viện Dinh dưỡng cho biết, quá trình chế biến, sản xuất, và bảo quản bánh trung thu có thể tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn thực phẩm. Trong quá trình sản xuất bánh trung thu, có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, bao gồm vi khuẩn như E.coli, Staphylococcus aureus, nấm mốc như Aspergillus, Penicillium, và các chất hóa học như chất bảo quản, phẩm màu không rõ nguồn gốc và/hoặc sử dụng vượt liều cho phép.
Những nguy cơ này thường xuất phát từ việc vệ sinh an toàn thực phẩm kém trong quá trình sản xuất, sử dụng nguyên liệu không đảm bảo, dụng cụ chế biến không sạch sẽ, người chế biến không đảm bảo vệ sinh, hoặc sử dụng chất phụ gia quá mức để tăng thời hạn sử dụng, cải thiện màu sắc và hương vị. Trong quá trình chế biến bánh không đảm bảo quy trình về vệ sinh: từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến đã làm cho một số loại bánh trung thu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho người sử dụng.
3. Cách chọn bánh trung thu an toàn
Để bảo đảm an toàn thực phẩm khi tiêu thụ bánh trung thu, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm, lựa chọn nhà sản xuất, lựa chọn nơi bảo quản và nơi bán sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn đã được cấp phép. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ khâu lựa chọn thương hiệu bánh trung thu góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau:
Về nhãn mác: Bánh trung thu phải có nguồn gốc rõ ràng gồm có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản bánh... Trên sản phẩm có in ngày sản xuất, có thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng.
Về chất lượng: Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ. Không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Kiểm tra hạn sử dụng: Bánh trung thu có hạn sử dụng ngắn hơn các loại bánh vì thế trước khi ăn, do đó nên kiểm tra cẩn thận hạn sử dụng, quan sát bánh trung thu xem có bất kỳ dấu hiệu lạ nào không rồi mới ăn.
4. Cách ăn bánh trung thu đảm bảo sức khỏe
- Tốt nhất nên ăn bánh trung thu vào buổi sáng hoặc trưa, nên ăn ít hoặc cố gắng không ăn vào buổi tối, nhất là đối với người cao tuổi. Vì bánh chứa nhiều calo nên việc ăn bánh trung thu vào ban ngày sẽ tạo ra một khoảng thời gian thích hợp để cơ thể xử lý phần năng lượng được nạp vào.
- Nên ăn bánh trung thu với nước trà để giúp kiểm soát lượng đường huyết. Không nên uống nước ngọt khi ăn bánh dễ làm đường huyết tăng cao khó kiểm soát.
- Với trẻ em, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, càng làm trẻ chán ăn, bỏ bữa. Ăn bánh khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ nên cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ.
- Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2-3 bát cơm (1 bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Người béo phì nên giới hạn lượng bánh ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Ví dụ bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh.
- Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các loại bánh trung thu dành cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo nhưng vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết. Hãy ưu tiên các loại bánh có hạt, ngũ cốc nguyên cám, hoặc các loại bánh ít đường, ít calo.
- Đối với người có bệnh đái tháo đường, béo phì hoặc có nguy cơ mắc bệnh, việc lựa chọn bánh trung thu cần đặc biệt cẩn trọng và nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Khi ăn nên kết hợp với các loại thực phẩm khác như trái cây có chỉ số GI thấp để cân bằng dinh dưỡng và uống nhiều nước để hỗ trợ tiêu hóa.
- Bánh trung thu chứa nhiều chất béo, đường sucrose và tinh bột, ăn quá nhiều sẽ dẫn đến đầy bụng và gây khó tiêu, chán ăn, tăng đường huyết và các vấn đề khác. Ăn quá nhiều bánh trung thu có thể làm dư thừa cholesterol, khiến bạn dễ bị tăng cân, béo phì, thậm chí mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm hay đái tháo đường. Do đó người bình thường cũng chỉ nên ăn khoảng 1/4, tối đa là 1/2 đến 1 cái bánh cỡ 180g trong ngày.
- Lúc đói là thời điểm dễ hấp thụ các chất vào cơ thể một cách nhanh nhất. Vì thế, để tránh cơ thể nạp quá nhiều đường khi ăn bánh trung thu, nên ăn bánh sau bữa chính từ 1-2 giờ. Khi ăn bánh trung thu, bạn nên quản lý lượng calo nạp vào và tăng lượng calo đốt cháy bằng cách bổ sung các bài tập như chạy bộ, bơi lội, chống đẩy và các môn thể thao để duy trì cơ thể khỏe mạnh, loại bỏ độc tố.
Theo suckhoedoisong.vn