Tế bào da không có đủ thời gian tái tạo: Ban đêm là thời điểm các tế bào da tái tạo và phục hồi từ những tổn thương trong ngày. Nếu bạn không ngủ hoặc ngủ không đủ giấc, da bạn sẽ không có đủ thời gian để tự tái tạo và chữa lành, và điều này sẽ làm tăng nguy cơ lão hóa sớm của bạn.
Mụn: Hàm lượng hormone căng thẳng cortisol thường xuống thấp vào ban đêm theo quy luật tự nhiên. Nhưng nếu bạn thức khuya và làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ, hàm lượng cortisol trong cơ thể bạn sẽ duy trì ở mức cao, đồng nghĩa với việc các tuyến bã nhờn liên tục bị kích thích, khiến da bạn dễ mọc mụn hàng loạt.
Lỗ chân lông to ra: Một tác hại khác của việc tuyến bã nhờn luôn bị kích thích do thiếu ngủ là các lỗ chân lông sẽ to ra và dễ bị bí tắc.
Tăng nguy cơ tổn thương do ánh nắng mặt trời: Ngủ đủ giấc là điều cần thiết để cơ thể sản sinh các chất chống oxy hóa tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy việc thiếu ngủ dẫn đến giảm sản sinh các chất chống oxy hóa, từ đó làm giảm khả năng tự bảo vệ khỏi tia UV của làn da.
Tăng nguy cơ viêm da: Nghiên cứu đã chứng minh rằng thiếu ngủ làm giảm lượng tế bào bạch cầu, từ đó làm giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Do đó, thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da.
Bọng mắt to và thâm hơn: Hệ bạch huyết của cơ thể có vai trò như một hệ thống xả thải, giúp cơ thể loại bỏ độc tố và các chất lỏng dư thừa. Thiếu ngủ ảnh hưởng xấu đến chức năng của hệ bạch huyết, gây tình trạng tích tụ chất lỏng thừa, dẫn đến sưng bọng mắt.
Da xỉn màu, tái nhợt: Thiếu ngủ làm gián đoạn các chu trình sinh học bình thường của da, bao gồm cả chu trình tái tạo da vào ban đêm. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ tế bào chết trên bề mặt da, khiến da bạn xanh xao hoặc xỉn màu.
Bệnh vảy nến và bệnh chàm eczema: Khi bạn ngủ không đủ giấc, lượng hormone cortisol gây căng thẳng trong cơ thể sẽ tăng cao, từ đó kích thích các bệnh lý về da như bệnh vảy nến hay bệnh chàm./.
Theo vov