Những tổn thương hoặc suy giảm chức năng thận có thể diễn ra trong thời gian dài mà không được chú ý tới. Vì thế các bệnh về thận thường được gọi là "căn bệnh thầm lặng" và việc chăm sóc bảo vệ thận lại càng trở nên quan trọng hơn trước khi quá muộn.
Dưới đây là những thói quen phổ biến có thể gây hại thận theo thời gian:
Uống quá nhiều rượu
Uống nhiều rượu thường xuyên - hơn bốn ly mỗi ngày đã được khoa học chứng minh là làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Những người nghiện rượu nặng và hút thuốc lá thì nguy cơ này cho thận lại càng cao, nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao gấp 5 lần so với những người không hút thuốc hoặc uống rượu quá mức.
Ngồi nhiều, ít vận động
Ngồi trong thời gian dài có liên quan đến sự phát triển của bệnh thận. Mặc dù các nhà nghiên cứu chưa biết rõ nguyên nhân nhưng ngồi nhiều, ít vận động thể chất ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thận. Lý do, hoạt động thể chất nhiều sẽ giúp máu lưu thông tốt, cải thiện huyết áp và chuyển hóa glucose, cả hai yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của thận.
Không uống đủ nước
Cung cấp đủ nước giúp thận loại bỏ natri và chất độc ra khỏi cơ thể, hạn chế sỏi thận gây đau đớn. Những người có vấn đề về thận hoặc suy thận cần hạn chế uống nước, nhưng đối với hầu hết mọi người, uống 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày là mục tiêu tốt cho sức khỏe.
Thói quen ăn mặn
Chế độ ăn nhiều muối có hàm lượng natri cao, có thể làm tăng huyết áp, do đó gây hại cho thận của bạn. Thay vì muối có thể sử dụng hương vị thức ăn bằng các loại thảo mộc và gia vị. Theo thời gian, nên tránh lạm dụng muối thêm vào thức ăn, hạn chế càng ăn ít muối càng tốt.
Thói quen nhịn đi tiểu
Do cuộc sống bận rộn và những lý do khác, 1 số người thường xuyên nhịn tiểu quá lâu. Việc thường xuyên nhịn tiểu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thận, gây áp lực lên thận, lâu dài sẽ tạo thành sỏi thận, suy thận và đi tiểu không kiểm soát.
Uống cà phê nhiều
Cà phê không ảnh hưởng gì đến thận nhưng uống cà phê quá nhiều và lượng đường, sữa, kem thêm vào có thể không tốt cho thận. Vì vậy, tốt nhất nên uống cà phê vừa phải, nên uống cà phê ít đường hay không đường.
Cần lưu ý thêm là cà phê là chất kích thích, có thể ảnh hưởng đến huyết áp ở một số người. Bệnh thận thường dẫn đến tăng huyết áp. Người bị huyết áp cao chỉ nên uống không quá 2 tách cà phê mỗi ngày.
Lạm dụng thuốc
Việc sử dụng quá nhiều thuốc, nhất là các loại thuốc giảm đau cũng có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận. Việc hấp thụ và xử lý quá nhiều hóa chất biệt dược, có hoạt tính sinh học cao chứa trong thuốc, khiến thận bị "quá tải", dễ dẫn đến ngộ độc.
Tình trạng nhiễm độc thận do lạm dụng thuốc là một hiện tượng tương đối phổ biến. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ca tổn thương thận cấp tính và bệnh thận mạn tính mỗi năm trên toàn thế giới.
Ăn nhiều thức ăn giàu đạm, dầu mỡ hoặc quá ngọt
Thực phẩm quá béo hoặc quá ngọt rất dễ gây béo phì, lượng nước và natri bị giữ lại trong cơ thể người béo phì quá nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, từ đó dẫn đến các bệnh về thận.
Hiện nay mức sống của người dân đã được nâng lên nên thịt cá là món ăn không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, những thực phẩm này chứa nhiều chất đạm, mà trong quá trình chuyển hóa của cơ thể sẽ tạo ra urê và các chất cặn bã khác cần được lọc qua thận, bài tiết qua nước tiểu.
Ăn thừa đạm sẽ làm thay đổi áp suất thẩm thấu trong và ngoài cầu thận, tăng gánh nặng cho thận, về lâu dài sẽ gây tổn thương thận.
Triệu chứng cần đi khám bệnh thận sớm
Suy thận ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện vì triệu chứng suy thận giai đoạn nhẹ thường kín đáo, không rõ ràng. Ở giai đoạn này bệnh nhân vẫn lao động sinh hoạt bình thường cho nên thường bỏ qua những triệu chứng của bệnh.
Tuy nhiên, một số triệu chứng cần nghĩ tới bệnh thận khi cảm thấy cơ thể thường xuyên mệt mỏi, da xanh, người phù nhẹ. Khi xuất hiện các triệu chứng này cần đi khám sớm để tránh nguy cơ thận bị suy dẫn đến không hồi phục.
Suy thận ở giai đoạn nặng triệu chứng sẽ rõ ràng hơn người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi nhiều và buồn nôn.
Để xác định có bị bệnh thận hay không bệnh nhân cần phải làm các xét nghiệm về máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm đánh giá hình thái của thận.
Theo suckhoedoisong.vn