1. Giá trị dinh dưỡng của giấm táo

Giấm táo là một loại thực phẩm lên men được dùng phổ biến ở một số nền văn hóa ẩm thực và nhiều người giảm cân sử dụng. Nó được làm từ hỗn hợp nước và táo lên men. Ở giai đoạn đầu, đường trong táo sẽ được lên men thành rượu, tiếp tục ngâm thì rượu sẽ kết hợp với táo để trở thành giấm.

Mặc dù giấm táo không phải là nguồn dinh dưỡng dồi dào nhưng nó là nguồn cung cấp acid axetic tốt. Một số nghiên cứu ủng hộ vai trò của loại acid này trong việc giảm lượng đường trong máu cho những người mắc bệnh đái tháo đường và mức cholesterol ở những người béo phì.

Giấm táo cũng cung cấp chất chống oxy hóa là chất góp phẩn chống lại bệnh tật và giảm các phản ứng có hại trong cơ thể, cung cấp men vi sinh tự nhiên, giúp tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Acid axetic là hợp chất hoạt động chính của giấm, bao gồm acid lactic và vi khuẩn, ngoài ra malic và xitric là những thành phần tạo vị chua cho giấm táo. Giấm táo hữu cơ chưa lọc cũng chứa một chất bao gồm các sợi protein, enzyme và vi khuẩn có lợi.

Giấm cũng là một chất bảo quản thực phẩm. Nghiên cứu cho thấy nó ức chế vi khuẩn như E. coli phát triển và làm hỏng thực phẩm. Vì vậy bạn có thể dùng giấm táo như một cách bảo quản thực phẩm tự nhiên.

Ăn giấm táo thường xuyên có tốt cho tiêu hóa và giảm cân không?- Ảnh 1.

Giấm táo chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho đường ruột và hỗ trợ giảm cân.

2. Lợi ích của giấm táo với sức khỏe đường ruột

Giấm táo là một loại thực phẩm lên men chứa nhiều sinh vật có lợi được tạo ra thông qua quá trình lên men. Chúng hoạt động như một chất bổ sung lợi khuẩn, cung cấp cho đường ruột những vi khuẩn có lợi giúp củng cố hàng rào bảo vệ đường ruột, chống lại vi khuẩn gây bệnh.

Theo TS. Phạm Thùy Dương, Giảng viên khoa Công nghệ sinh học, Đại học Phương Đông, thực phẩm lên men có nhiều vi khuẩn lactic, probiotics giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại trong hệ tiêu hóa và cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Chúng cũng chứa nhiều enzyme góp phần thúc đẩy quá trình phá vỡ các hợp chất carbohydrate, protein… trong thức ăn, giúp tiêu thụ thức ăn tốt hơn và kích thích sản sinh vitamin.

Các nghiên cứu cho thấy, giấm táo có thể có tác dụng chống lại các vi khuẩn có hại cho đường ruột, chẳng hạn như E.coli. Nếu không được kiểm soát, những vi khuẩn này dễ gây ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Nó cũng có thể giúp chống lại Candida, một loại nấm dẫn đến nhiễm trùng nấm men đường ruột.

Acid axetic trong giấm táo có ảnh hưởng tích cực đến các enzyme tiêu hóa trong ruột, làm tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể. Đối với một số người, sử dụng giấm táo làm giảm các triệu chứng đầy hơi và khó tiêu. Điều này là do đặc tính kháng khuẩn của nó có tác dụng kiểm soát vi khuẩn đường ruột.

3. Ăn giấm táo có giúp giảm cân không?

Giấm táo có liên quan đến việc giảm cân nhờ chứa một số lợi khuẩn có tác dụng hỗ trợ chức năng đường ruột, cải thiện quá trình trao đổi chất, giảm tích tụ chất béo trong cơ thể.

Giấm táo có thể tăng cường hiệu quả của một loại enzyme chịu trách nhiệm giảm tổng hợp chất béo và đường trong trong gan. Vì vậy, nếu bạn muốn giảm cân, việc bổ sung giấm táo đúng cách (không lạm dụng) cũng hữu ích vì nó có thể khuyến khích cơ thể bạn sử dụng chất béo dự trữ để làm năng lượng.

Khi nói đến việc quản lý cân nặng, lượng đường trong máu ổn định là chìa khóa. Giấm táo có thể giúp quản lý lượng đường trong máu bằng cách ức chế amylase. Amylase là một enzyme tiêu hóa carbohydrate. Amylase thậm chí có thể giúp giảm cảm giác thèm ăn và ăn quá nhiều.

Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Âu cho thấy, tiêu thụ giấm táo với bánh mì trắng không chỉ làm giảm lượng đường trong máu mà còn làm tăng cảm giác no. Một nghiên cứu khác do Đại học Bang Arizona thực hiện cho thấy dùng giấm táo trong bữa ăn giúp giảm lượng calo nạp vào trong ngày, điều này có lợi cho việc giảm cân.

Các mô hình nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy, acid axetic, một trong những hợp chất chính có trong giấm táo, giúp ngăn chặn sự tích tụ mỡ trong cơ thể bằng cách thay đổi một số gen và protein cụ thể liên quan đến việc lưu trữ chất béo.

Ăn giấm táo thường xuyên có tốt cho tiêu hóa và giảm cân không?- Ảnh 3.

Nên sử dụng giấm táo làm gia vị chế biến thực phẩm hằng ngày.

4. Cách dùng giấm táo an toàn cho sức khỏe

Mặc dù giấm táo được chứng minh có lợi cho sức khỏe đường ruột, trao đổi chất, cải thiện điều hòa lượng đường trong máu và giảm khối lượng mỡ trong cơ thể nhưng hầu hết các chuyên gia khuyên mọi người không nên lạm dụng, chỉ nên tiêu thụ trong khoảng 1-2 thìa cà phê mỗi ngày và bắt đầu từ từ là an toàn. Tốt nhất chỉ nên sử dụng giấm táo làm gia vị chế biến thực phẩm hằng ngày. Không lạm dụng giấm táo để giảm cân.

Sử dụng giấm táo lâu dài có nguy cơ gây hại cho thực quản, men răng và da, thậm chí có thể làm giảm nồng độ kali, gây các triệu chứng như nhịp tim bất thường, mệt mỏi, tổn thương cơ, yếu đuối, tê, ngứa, táo bón…

Không sử dụng giấm táo như một cách điều trị bệnh lý mạn tính vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì giấm táo có tính acid nên một số người như người bị viêm loét dạ dày, viêm loét đại tràng hoặc có vấn đề về đường tiêu hóa, dễ bị đau bụng, tiêu chảy không nên dùng. Những người bị trào ngược acid hoặc có dạ dày nhạy cảm, nồng độ acid cao có thể bị trầm trọng hơn, nhất là uống giấm táo khi bụng đói.

Theo suckhoedoisong.vn