|
|
Người có axit uric cao có thể tiêu thụ các loại cá có hàm lượng purin dưới 100mg/100g. Đồ họa: Thùy Dung |
Vì sao axit uric cao không nên ăn cá?
Cá là loại thực phẩm giàu axit béo omega-3, các vitamin B2, B12, vitamin D cùng nhiều các khoáng chất thiết yếu, chất chống oxy hoá. Tuy nhiên, trong thành phần của một số loại cá chứa hàm lượng lớn purin.
Việc ăn cá quá nhiều và thường xuyên sử dụng các loại cá có hàm lượng purin cao dễ làm cho chỉ số axit uric tăng cao khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu đối với cơ thể. Vì vậy, nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng người có nồng độ axit uric trong máu cao hoặc những người mắc gout nên hạn chế ăn cá và các món ăn có nguồn gốc từ cá.
Người có axit uric cao nên ăn loại cá nào?
Cá là loại thực phẩm không tốt cho những người có axit uric cao hoặc những bệnh nhân mắc gout. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại cá đều có hàm lượng purin cao và gây nguy hại cho cơ thể người bệnh.
Những loại cá có hàm lượng purin dưới 100mg/100g phù hợp với thực đơn của những bệnh nhân có axit uric cao như: cá lăng, cá trích, cá hồng, cá hồi, cá basa và cá rô. Bên cạnh đó, có một số loại cá có hàm lượng purin từ 100mg đến 400mg/100g mà bạn có thể ăn với lượng vừa đủ như: cá chép, cá bơn, cá tuyết, cá vược.
Đặc biệt, người có nồng độ axit uric vượt chuẩn cần tránh tuyệt đối những loại cá có hàm lượng purin cao, trên 400mg/100g khẩu phần như cá ngừ, cá cơm, cá thu, cá mòi và một số loại hải sản có vỏ khác như: tôm, cua, sò điệp... Việc dung nạp quá nhiều những loại thực phẩm giàu purin này có thể làm gia tăng triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, phương pháp chế biến cũng là vấn đề cần được quan tâm đối với những người có axit uric cao. Nên sử dụng phương pháp hấp, luộc đơn giản và ít gia vị để giảm lượng purin trong cá thay vì chiên, rán, nướng hoặc gỏi cá sống.
Cuối cùng, với bất kỳ loại cá nào cũng chỉ nên ăn với số lượng và tần suất vừa phải để đảm bảo duy trình trạng thái sức khỏe tốt nhất.
Theo laodong