Sau đây, một bác sĩ chuyên về nội tiết sẽ giải thích cách nhai thức ăn tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Cách nhai thức ăn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường đang là mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn thế giới. Mặc dù những gì ăn vào chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng cách ăn cũng đóng một vai trò nhất định. Các chuyên gia cho biết liên tục ăn quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
|
|
Liên tục ăn quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 |
Đã có một số nghiên cứu xem xét tốc độ ăn ảnh hưởng thế nào đến đường huyết và nguy cơ tiểu đường.
Nghiên cứu cho thấy ăn nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường so với ăn chậm hơn, theo trang tin sức khỏe Eating Well.
Bác sĩ David Creel, chuyên gia dinh dưỡng nội tiết tại Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ), cho hay nghiên cứu cho thấy khi ăn nhanh, đường huyết tăng nhanh hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Annals of Pediatric Endocrinology & Metabolism đã phát hiện nhai thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ kháng insulin, tiền thân của bệnh tiểu đường loại 2.
Kháng insulin xảy ra khi các tế bào của cơ thể không phản ứng đúng cách với insulin, dẫn đến đường huyết tăng cao.
Ngược lại, nhai thức ăn chậm và kỹ có thể giúp điều chỉnh mức đường huyết và cải thiện độ nhạy insulin.
Bác sĩ Creel giải thích: Nếu ăn chậm, người ta sẽ ít có khả năng ăn quá nhiều. Trong hầu hết các trường hợp, não mất một khoảng thời gian để nhận được tín hiệu đã no, vì vậy, ăn chậm lại giúp chúng ta cảm thấy no sớm hơn.
Ông cho hay tác động cấp tính của ăn nhanh là đường huyết tăng nhiều hơn hoặc ăn quá nhiều thường xuyên hơn. Và sau đó tác động mạn tính là ăn nhanh làm cho tình trạng kháng insulin trở nên tồi tệ hơn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo Eating Well.
|
|
Hãy chú ý đến hương vị, kết cấu của thức ăn. Điều này có thể nâng cao trải nghiệm ăn uống và giúp nhai kỹ hơn |
Mẹo nhai thức ăn đúng cách để có kết quả tốt nhất
Sau đây là một số mẹo để nhai chậm lại:
Cắn thức ăn thành từng miếng nhỏ hơn sẽ dễ nhai kỹ hơn.
Cố gắng nhai mỗi miếng ít nhất 20-30 lần trước khi nuốt. Lúc đầu, điều này có thể khiến bạn cảm thấy không tự nhiên, nhưng khi luyện tập, nó sẽ trở thành thói quen.
Sau khi cắn một miếng, hãy đặt muỗng, đũa xuống. Hành động đơn giản này có thể giúp chúng ta chậm lại và tập trung vào việc nhai.
Hãy chú ý đến hương vị, kết cấu và mùi thơm của thức ăn. Điều này có thể nâng cao trải nghiệm ăn uống và giúp nhai kỹ hơn.
Cố gắng ăn mà không bị phân tâm bởi ti vi hoặc điện thoại thông minh. Tập trung vào bữa ăn có thể giúp ăn chậm hơn và chánh niệm hơn, theo tờ Times Of India.
Tất nhiên, điều quan trọng là cần phải kết hợp với một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh.
Theo Thanh niên