leftcenterrightdel
Lượng công việc luôn chồng chất, môi trường làm việc căng thẳng là một trong những nguyên nhân làm trẻ hóa tỉ lệ vô sinh hiếm muộn ngày nay (Ảnh minh họa: Pinterest) 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung tỉ lệ vô sinh hiếm muộn đang ngày một gia tăng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới. Thống kê của Bộ Y tế nước ta cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vô sinh hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỉ lệ 50%.

Nhận định về những con số này, BS Vũ Viết Hoàng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc cho biết: "Cuộc sống hối hả, bận rộn với nhiều khao khát, ước mơ và cả những ham muốn vật chất hào nhoáng bên ngoài khiến giới trẻ ít quan tâm hay không có thời gian để quan tâm đến sức khỏe của bản thân.

Rồi sự thay đổi về nhận thức, về thế giới quan, cách sống mà các vấn đề liên quan đến tình dục thì người trẻ ngày nay cũng thoáng hơn xưa rất nhiều. Đi kèm với các cuộc tình, mối quan hệ chớp nhoáng là các bệnh lý lây lan qua đường tình dục, các bệnh lý viêm nhiễm nam/phụ khoa cũng ngày càng gia tăng. Từ đó góp phần làm trẻ hóa dần độ tuổi bị vô sinh, hiếm muộn".

Để phòng tránh nguy cơ chính bản thân mình cũng gặp phải tình trạng vô sinh, hiếm muộn, BS Hoàng chỉ ra 8 thói quen xấu cần phải tránh ngay mà nhiều người trẻ đang mắc phải, đặc biệt là ở nữ giới.

leftcenterrightdel
 BS Vũ Viết Hoàng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc (Ảnh: BSCC)

1. Hay bị căng thẳng đầu óc

Khi bị áp lực kéo dài, cơ thể sẽ tăng giải phóng CRH (corticotropin) là một neuropeptide. Nó sẽ tương tác và làm giảm khả năng chế tiết GnRH của vùng dưới đồi. Từ đó ảnh hưởng lên sự chế tiết các hormone tuyến yên, tác động trực tiếp lên sự phát triển của các nang trứng. Hậu quả làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn sự rụng trứng. 

"Cuộc sống ngày càng phát triển, hiện đại đi kèm theo đó là sự 'cạnh tranh' khốc liệt, lượng công việc luôn chồng chất, môi trường làm việc căng thẳng sẽ là một trong những nguyên nhân làm trẻ hóa tỉ lệ vô sinh hiếm muộn ngày nay", BS Hoàng khẳng định.

2. Ăn uống không kiểm soát, cơ thể dư thừa năng lượng

Khi chúng ta ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, đồ ngọt, nước uống có gas… hoặc ăn quá nhiều thực phẩm nhưng lại lười vận động sẽ khiến cơ thể bị mất cân bằng năng lượng, nghĩa là năng lượng nạp vào vượt quá năng lượng tiêu thụ. Từ đó gây nên tình trạng thừa cân, béo phì - một trong những yếu tố làm suy giảm chức năng buồng trứng, giảm ham muốn, giảm khả năng thụ thai… 

Đồng thời, thói quen xấu này còn làm tăng nguy cơ gặp phải bệnh lý trong quá trình mang thai như đái tháo đường thai kỳ hay thậm chí còn làm tăng nguy cơ sảy thai.

3. Sử dụng nhiều chất kích thích

Rượu, bia, thuốc lá, caffeine… nếu sử dụng quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe chung đối với tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Chính vì thế chị em đang có ý định "thả bầu" hay đang mang thai thì tốt nhất là không nên sử dụng.

4. Thường xuyên thức khuya

Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thức khuya tác động tiêu cực đến sức khỏe toàn trạng, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Khi cơ thể thiếu ngủ, ngủ không sâu, không đủ giấc… sẽ làm rối loạn nhịp tiết các hormone sinh sản ảnh hưởng đến chất lượng trứng cũng như chu kỳ kinh.

5. Giảm cân quá nhanh

BS Hoàng chia sẻ: "Rất nhiều phụ nữ bị ám ảnh về cân nặng của bản thân, luôn mong muốn có một vóc dáng mảnh mai nhưng lại không sinh hoạt, tập luyện một cách khoa học, lành mạnh. Họ thường nhịn ăn uống, sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc… một cách cực đoan để ép cân nặng xuống nhanh nhất có thể. Điều này sẽ gây mất cân bằng năng lượng, dẫn đến ức chế nhịp tiết hormone tại vùng dưới đồi, làm giảm chức năng của buồng trứng".

Lâu dần, điều đó có thể gây nên chứng chán ăn (thường xảy ra ở khoảng 1% các phụ nữ trẻ) với các biểu hiện: vô kinh, nhịp tim chậm, da khô, hạ thân nhiệt, táo bón và phù.

6. Tập luyện thể thao quá sức

Đây được coi là "tam chứng vận động viên nữ" - hội chứng được định nghĩa liên quan đến rối loạn ăn uống, vô kinh và loãng xương. Tình trạng này thường liên quan đến các môn thể thao như chạy, trượt băng nghệ thuật, thể dục dụng cụ và múa ba lê.

7. Vệ sinh vùng kín không đúng cách

Hầu như tất cả chị em phụ nữ đều bị viêm nhiễm phụ khoa ít nhất một lần. Nếu không điều trị sớm và triệt để, viêm tái đi tái lại nhiều lần thì có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là gây nên tình trạng vô sinh. Nguyên nhân thường là do vi khuẩn từ âm đạo xâm nhập sâu vào bên trong cơ quan sinh sản hay cả vùng chậu gây viêm niêm mạc, viêm tác ống dẫn trứng hoặc viêm dính vùng tiểu khung làm giảm khả năng trứng và tinh trùng gặp được nhau, sự thụ tinh từ đó không thể diễn ra được.

"Một số thói quen cần tránh để giảm tình trạng viêm phụ khoa chị em cần nhớ đó là: không thụt rửa sâu vào âm đạo (làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo, giảm sức đề kháng của vùng kín), không sử dụng vòi xịt khi đi vệ sinh xong (đẩy tác nhân gây bệnh vào sâu bên trong vùng kín, dễ làm kích ứng do da vùng kín rất nhạy cảm), tránh ngâm mình quá lâu trong nước nóng, thay đồ lót hàng ngày (làm khô và kích ứng da vùng kín, dễ gây viêm hơn), lựa đồ lót có chất liệu thoáng mát dễ thấm hút để tránh vùng kín bị ẩm ướt (tránh tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn nhân lên và phát triển, gây bệnh)…

Chú ý là nên đi khám phụ khoa định kỳ 3-6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý nếu gặp, tránh để lại hậu quả không mong muốn về lâu dài", BS Hoàng nhắc nhở.

8. Mặc quần, đồ lót quá chật

Mặc đồ lót quá chật trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu lưu thông tại vùng chậu, tác động đến sự phát triển của các cơ quan sinh sản nằm tại đây. 

Ngoài ra khi mặc đồ lót chật… sẽ khiến vùng kín bí bách, dễ bị ẩm ướt, dễ bị kích ứng dẫn đến dễ bị viêm nhiễm hơn.

Mỹ Diệu