Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Trần Xuân Hồng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức (TP.HCM), cho biết đối với những người chưa mắc bệnh tim, tập thể dục thường xuyên giúp giảm các yếu tố nguy cơ khác nhau dẫn đến bệnh tim mạch và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim.
Đối với những người mắc bệnh tim, tập thể dục giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng, tạo sức bền, cải thiện chất lượng cuộc sống hằng ngày. Tập thể dục cũng làm giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch.
|
|
Các bài tập với cường độ cao có thể gây nguy hiểm cho một số bệnh nhân như bệnh cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim |
Lưu ý khi tập thể dục cường độ cao
Tuy nhiên, các bài tập với cường độ cao có thể gây nguy hiểm cho một số bệnh nhân như bệnh cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim...
Do đó, một kế hoạch tập luyện thể dục phù hợp là rất quan trọng với bệnh nhân tim mạch. Chương trình tập thể dục, cường độ và thời gian tập tối ưu khác nhau tùy theo từng người, tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Chẩn đoán bệnh tim mạch.
- Mức độ nặng của bệnh tim mạch.
- Các bệnh đồng mắc.
- Sức cơ, tình trạng thể chất, các bất thường của xương và khớp.
- Kết quả điều trị trước đó.
- Thuốc uống.
Các bệnh nhân tim mạch cần được đánh giá về y tế để có chương trình tập luyện phù hợp. Các bệnh nhân tim mạch vừa được chẩn đoán có mức độ bệnh từ trung bình đến nặng việc bắt đầu chương trình tập thể dục cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng. Sau khi tình trạng tim mạch có cải thiện và được đánh giá ở mức an toàn, các bệnh nhân có thể bắt đầu tập thể dục tại nhà và tăng dần các hoạt động thể chất.
|
|
Trong quá trình tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể của chính mình |
Hãy lắng nghe cơ thể
Theo bác sĩ Xuân Hồng, lưu ý đầu tiên, các bạn tránh tập luyện với cường độ cao và không tập thể dục quá sức trong thời gian dài. Trong quá trình tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể của chính mình, nó sẽ giúp chúng ta nhận biết các mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Cần dừng ngay bài tập và tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi xuất hiện các triệu chứng sau trong quá trình tập luyện như:
- Đau ngực.
- Hụt hơi.
- Hồi hộp, tim đập nhanh.
- Chóng mặt, ngất xỉu.
Mặt khác, bệnh nhân nên đo dấu hiệu sinh tồn: Huyết áp, nhịp tim trước và sau khi tập thể dục. Hoặc có thể sử dụng các thiết bị theo dõi nhịp tim và kiểm tra các dấu hiệu quan trọng mỗi khi xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Các bài tập dành cho bệnh nhân tim mạch thường tập trung vào các bài aerobic hoặc bài tập tim mạch. Mỗi bệnh nhân có bệnh đồng mắc, sức cơ và các bất thường khác nhau do đó cần kết hợp các bài tập khác nhau để nâng cao hiệu quả tập luyện một cách toàn diện, hạn chế chấn thương và thúc đẩy tiến độ tập luyện tốt hơn:
- Tập luyện đối kháng hay tập tạ nhằm xây dựng sức cơ cụ thể, đặc biệt ở chân, bụng và lưng. Tuy nhiên, nếu sức các cơ này yếu, bạn sẽ dễ bị chấn thương.
- Các bài tập linh hoạt giúp kéo giãn: Yoga, pilates.
- Rèn luyện thăng bằng đặc biệt ở những bệnh nhân cao tuổi, sức cơ yếu, có các bệnh não hoặc hệ thần kinh nhằm làm giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.
Bác sĩ Xuân Hồng khuyến cáo, tập thể dục giúp giảm huyết áp, giảm cân, giảm cholesterol LDL, ngăn ngừa bệnh tim và tăng cường độ bền cho tim. Chúng ta không nên xem tập thể dục là việc nhỏ, chỉ làm khi bạn không khỏe. Tập thể dục nên là một thói quen hằng ngày vì đây là khoản đầu tư có giá trị mang lại lợi ích cho cả người bệnh và người khỏe mạnh.
Theo Thanh niên