Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết bệnh sởi không phải là bệnh truyền nhiễm mới, nhưng vẫn đủ độc và mạnh để gây ra các trận dịch lớn khi việc tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa khác không được đảm bảo.

Trước khi có vắc xin phòng ngừa sởi vào năm 1963, 90% người lớn ở độ tuổi 20 đều đã từng bị bệnh sởi vì khả năng lây lan cực nhanh và kéo dài. Hệ số lây nhiễm Ro của bệnh sởi rất cao, từ 12 - 18 (nghĩa là cứ 1 người bị bệnh có thể lây cho 12 - 18 người), cao hơn rất nhiều so với chỉ số Ro của bệnh Covid-19 là 2 - 5.

Các dấu hiệu nhận biết

Theo bác sĩ Quy, các dấu hiệu phụ huynh có thể nhận biết để nghi ngờ con mình bị bệnh sởi bao gồm sốt cao liên tục, phát ban từ vị trí sau gáy: mang tai lan ra mặt, ngực, bụng, lưng và kết thúc ở tay chân; giai đoạn lui bệnh thì ban da sẽ thâm dần tạo các vết hằn như “da hổ”, chỗ nào nổi trước thì thâm trước; ho, sổ mũi; mắt “tèm lem” (chảy nước mắt, đổ ghèn, đỏ mắt).

Diễn tiến bệnh kéo dài 7 - 14 ngày với giai đoạn lây từ 1 - 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng đến khi phát ban được 4 ngày.

leftcenterrightdel
 Các nốt phát ban trên bàn tay trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Diễn biến và biến chứng của bệnh sởi

Theo bác sĩ Bùi Đức Thắng, bác sĩ Võ Nguyễn Hồng Tiên (Phòng tiêm vắc xin, Bệnh viện Quân y 175), sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, vi rút sởi thường ủ bệnh trong vòng 10 - 12 ngày. Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân bắt đầu sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc mắt.

Hạt Koplik hay còn gọi là nội ban ở bệnh nhân sởi là các hạt trắng nhỏ, li ti mọc ở niêm mạc má phía trong miệng và ngang răng hàm, thường xuất hiện từ ngày thứ 2 và biến mất nhanh trong vòng từ 12 - 24 giờ.

Phát ban thường từ ngày thứ 3, ban dạng dát sẩn, gồ trên bề mặt da, không đau, không ngứa, không mưng mủ. Ban sẽ mọc tuần tự trên da từ trên xuống dưới: đầu, mặt, cổ, ngực, lưng, cánh tay, bụng, mông, đùi và chân. Bệnh nhân thường sốt cao khi mới phát ban và khi ban sởi mọc đến chân, sốt sẽ giảm và hết. Khi ban sởi lặn có thể để lại những vết thâm trên da, gọi là dấu hiệu vằn da hổ.

Các biến chứng bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não màng não, viêm loét giác mạc, gây mù lòa, tiêu chảy, suy dinh dưỡng nặng, còi cọc kéo dài, suy giảm miễn dịch kéo dài… Ở phụ nữ mang thai, bệnh sởi làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, dị dạng thai nhi…

Phòng ngừa bệnh sởi

Bác sĩ Quy khuyến cáo phụ huynh kiểm tra lại sổ tiêm chủng của trẻ, thực hiện ngay chích ngừa vắc xin sởi mũi đơn khi bé được 9 tháng hoặc mũi phối hợp (sởi - quai bị - rubella) khi trẻ 12 tháng và lưu ý cần tiêm nhắc lại mũi 2 để đảm bảo tạo đủ miễn dịch bảo vệ trẻ. Phòng ngừa chuẩn với việc đeo khẩu trang nơi đông người, khi đến các khu vực nguy cơ, khi chăm sóc trẻ bệnh và rửa tay thường quy. Cách ly trẻ khi đã xác định mắc bệnh sởi cho đến ngày thứ 5 của ban da.

Theo bác sĩ Thắng, với trẻ từ 12 tháng tới 7 tuổi có thể tiêm mũi 1 vắc xin ngừa sởi vào lần đầu tiên, mũi 2 cách 3 tháng sau tiêm mũi 1, và tiêm nhắc lại 3 năm sau mũi 2 để củng cố miễn dịch, thường lúc trẻ từ 4-6 tuổi. Với trẻ trên 7 tuổi và người lớn, có thể tiêm mũi 1 vào lần đầu tiên và mũi 2 cách 1 tháng sau tiêm mũi 1. Phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm vắc xin có thành phần sởi ít nhất 3 tháng trước thời điểm dự kiến mang thai.

Theo Thanh niên