1. Vai trò của tập luyện với người bệnh hẹp thực quản

Hẹp thực quản có thể lành tính hoặc ác tính và là tình trạng nguy hiểm, cần được can thiệp điều trị sớm để tránh biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Biểu hiện chủ yếu của hẹp thực quản là tình trạng khó nuốt.

Việc thực hiện các bài tập tăng cường sức khỏe kết hợp các bài tập nuốt giúp người bệnh:

- Giảm các triệu chứng đau vùng cổ, stress căng thẳng giúp bạn vui vẻ, tinh thần phấn chấn hơn.

- Giảm triệu chứng ợ hơi, ợ chua nóng rát thực quản, chướng bụng buồn nôn.

- Tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch cho cơ thể, giúp bạn nuốt thức ăn dễ dàng hơn.

- Tập luyện vừa sức giúp bệnh nhân ăn ngủ ngon hơn, duy trì cân nặng hợp lý.

2. Các bài tập tốt cho người hẹp thực quản

2.1 Dưỡng sinh

Bài tập thở cơ hoành: Giúp giảm căng thẳng, giảm đau thực quản, giảm triệu chứng ợ hơi, ợ chua.

Cách thực hiện:

  • Đặt một tay lên ngực và tay kia lên bụng. Hít vào qua mũi đếm từ một đến năm, cảm thấy bụng căng lên. Hít thở thêm, giữ hơi đếm thêm hai đến ba nhịp. Từ từ thở ra bằng miệng trong vòng đếm đến sáu.
  • Lặp lại 10-15 lần.

2.2 Xoa trung tiêu: Động tác này góp phần giúp làm giảm triệu chứng đầy hơi chướng bụng, giảm ợ hơi, ợ chua, hỗ trợ nuốt thức ăn, tăng cường sức đề kháng, miễn dịch cơ thể.

Cách thực hiện:

- Bàn tay phải nắm lại úp trên bụng, tay còn lại đè chụp lên phía trên. Xoa từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ vùng bụng thượng vị (phía trên rốn), kết hợp day ấn huyệt trung quản sau khi kết thúc hết một vòng. Mỗi lần xoa làm từ 20 -50 vòng.

- Vị trí huyệt trung quản: Huyệt trung quản nằm thẳng trên rốn 4 thốn hoặc nằm ở giữa đoạn nối giữa rốn và đường thẳng đi ngang qua bờ dưới sườn. Day ấn huyệt 3-5 phút.

xoa trung tiêu

Xoa trung tiêu giảm đầy hơi, chướng bụng cho người hẹp thực quản.

2.3 Bài tập nuốt: Giúp cho việc nuốt thức ăn dễ dàng hơn áp dụng khi bệnh nhân rối loạn chức năng nuốt. Các bài tập nuốt dành cho người hẹp thực quản cần có sự hỗ trợ của chuyên gia.

- Tập nuốt gắng sức: Đẩy dịch nước bọt ở trong miệng vào giữa lưỡi. Giữ môi thật chặt và tưởng rằng bạn đang nuốt 1 quả nho, cố gắng thực hiện động tác nuốt mạnh. Thực hiện từ 10-15 lần.

- Tập nhóm cơ hỗ trợ nuốt (Nghiệm pháp Shaker): Động tác gập cổ giúp khỏe cơ ức đòn chũm và cơ bám da cổ. Người bệnh nằm ngửa, cố định vai trên nền giường, nâng gập đầu về phía trước, giữ tư thế trong vòng 10 – 15 giây, cố gắng mắt nhìn ngón chân, rồi nghỉ, và lặp lại động tác tùy khả năng bệnh nhân.

- Tập đẩy hàm: Yêu cầu người bệnh đẩy hàm dưới ra trước càng xa càng tốt, giữ tại đó 5 giây, nghỉ về trạng thái bình thường, và tiếp tục lặp lại. Đẩy hàm sang 2 bên.

- Tập nuốt với kích thích nuốt: Dùng kẹo mút, nước chanh chua vừa phải, nước lạnh hoặc nước ấm.

Kích thích vùng niêm mạc má bên trái 3 lần, sau đó yêu cầu người bệnh nuốt, thực hiện tương tự với vùng niêm mạc má bên phải. Kích thích vùng mặt trên của lưỡi, tương tự như trên, mỗi vùng thực hiện 5 lần.

- Bài tập Supraglottic: Đẩy dịch nước bọt ở trong miệng vào giữa lưỡi. Hít một hơi thật sâu và giữ hơi thở của bạn. Nín thở trong khi nuốt. Ngay sau khi nuốt, người bệnh thực hiện động tác ho. Nếu nắp thanh môn không đóng thì cố hít vào và nói "a", tắt tiếng và nín thở. Động tác này thực hiện khi cổ ở tư thế gập, nghiêng trái, phải.

2.4 Tập yoga

Tư thế gập bụngGiúp giảm đau thực quản, thư giãn, giảm ợ hơi, chướng bụng.

Cách tập:

  • Nằm trên sàn hoặc thảm tập yoga.
  • Nâng cao đầu gối trái, vòng hai tay ôm qua đầu gối trái.
  • Đưa đầu về phía đầu gối, hít thở thả lỏng.
  • Làm tương tự với chân phải. Lặp lại từ 5-7 lần.

Tư thế vắt chéo chân: Hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy chướng, thư giãn.

Cách tập:

  • Tư thế ngồi trên mặt đất, chân trái duỗi thẳng trước mặt, chân phải bắt chéo qua chân trái, lòng chân phải nằm bên ngoài đầu gối chân trái.
  • Từ từ vặn người sang bên trái hết cỡ, đồng thời đặt bàn tay xuống đất ở phía bên trái. Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 10 giây kết hợp với hít vào, thở ra tự do.
  • Lặp lại từ 5-7 lần.
vặn xoắn

Tư thế vắt chéo chân hỗ trợ tiêu hóa cho người hẹp thực quản (hình minh họa).

Bài tập thể dục gập người: Giúp giảm ợ hơi, ợ chua, giúp giảm chướng bụng đầy hơi, thư giãn.

Cách làm:

  • Đứng thẳng, sau đó hai chân để rộng bằng vai.
  • Giơ thẳng hai tay lên cao, mắt ngước nhìn theo tay.
  • Cúi người xuống, giữ thẳng đầu gối sao cho đầu ngón tay chạm ngón chân.
  • Thả lỏng hai tay, từ từ đưa cơ thể về vị trí như ban đầu.
tu-the-cui-gap-nguoi-2

Tư thế cúi gập người.

2.5 Các hoạt động thể chất khác tăng cường sức khỏe cho người hẹp thực quản

- Đi bộ nhẹ nhàng 30-40 phút một ngày giúp lưu thông khí huyết, thư giãn tinh thần, giảm đau thực quản, tăng cường đề kháng, miễn dịch cơ thể.

- Bơi lội giúp tăng cường lưu thông khí huyết, tăng cường sức cơ vùng cổ gáy, tăng sức đề kháng, thư giãn tinh thần, duy trì cân nặng hợp lý, ăn ngủ tốt hơn.

3. Những lưu ý dành cho người hẹp thực quản khi tập luyện

- Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập sau ăn ít nhất 2h tránh trào ngược dạ dày - thực quản. Người bênh nên tập buổi sáng lúc thời tiết không quá nóng, không quá lạnh; tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, đói bụng; tránh tập đêm khuya. thời gian tập 20 phút đến 40 phút một ngày.

Trong giai đoạn bệnh cấp tính đau nhức nhiều, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn nhiều không nên tập, chỉ tập khi bệnh ổn định. Khi tập luyện cần tham khảo ý kiến bác sỹ.

Cách tập không gây hại sức khỏe:

  • Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần phù hợp thể trạng cơ thể, tình hình bệnh tật. 
  • Nên phối hợp nhiều bài tập. 
  • Khởi động kỹ trước khi tập luyện.
  • Tập trong môi trường thông thoáng, ăn mặc rộng rãi, uống đủ nước.
  • Khi triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt thì dừng ngay.
  • Tập luyện với chế độ ăn mềm, chia nhiều bữa, kiêng đồ cứng, tránh xa đồ cay nóng, tránh xa dầu mỡ, chất kích thích như cà phê, rượu.

Theo suckhoedoisong.vn