1. Vai trò của tập thể dục đối với người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản thường không gây ra dấu hiệu và triệu chứng, trừ khi bị chảy máu. Các dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu thực quản là nôn ra máu (ít hoặc ồ ạt) hoặc đi ngoài phân đen. 

Những biểu hiện này xuất hiện khi tĩnh mạch đã bị giãn ở mức cực đại, gây thủng hoặc vỡ tĩnh mạch làm chảy máu.

Khi bệnh ở giai đoạn cấp tính, người bệnh không thể tập thể dục. Tuy nhiên, khi sức khỏe ổn định, người bệnh nên tập luyện nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe. 

Xây dựng lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục, là một phần quan trọng để hạ huyết áp, hạn chế diễn tiến của giãn tĩnh mạch thực quản, ngăn ngừa xuất huyết.

Hơn thế, tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị giãn tĩnh mạch thực quản. Người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan bằng cách tập thể dục, đi dạo, thiền...

2. Một số bài tập thể dục nhẹ nhàng

2.1. Bài tập thở

Cách thực hiện:

  • Người tập nằm ngửa, gập đầu gối sao cho phần dưới bàn chân đặt trên giường. Đặt tay lên trên bụng hoặc vòng tay ôm hai bên bụng.
  • Khép miệng lại và đặt lưỡi lên vòm miệng. Hít vào bằng mũi và kéo không khí xuống bụng, nơi đặt tay. Cố gắng tách các ngón tay ra theo nhịp thở.
  • Từ từ thở ra bằng mũi.
  • Lặp lại trong một phút, hãy cố gắng thở thật sâu để thư giãn cơ thể, giúp nhịp tim đập chậm rãi hơn.

2.2. Bài tập thở nhẩm đếm

Cách thực hiện bài tập này như sau:

  • Người tập thở thả lỏng cơ thể rồi hít vào bằng mũi, kết hợp với nhẩm đếm từ 1 đến 4 trong đầu để bụng được lấp đầy không khí.
  • Tiếp theo, mọi người hãy hóp bụng vào, từ từ thở ra, cũng kết hợp với đếm từ 1 đến 4 trong đầu, cố gắng để không khí được đẩy ra tự nhiên nhất.
  • Sau khi quen dần với bài tập này, mọi người có thể nâng dần độ khó lên, tập đến nhịp thứ 5, 6, 7, 8…
leftcenterrightdel
 Đi bộ là hình thức tập luyện đơn giản, rất tốt cho sức khỏe.

2.3. Đi bộ

Đi bộ là hoạt động thể chất nhẹ nhàng nhưng rất hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát huyết áp. Người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản có thể đi bộ trong công viên hoặc cung đường vắng xe qua lại nhằm đảm bảo không khí trong lành, ít khói bụi.

3. Lưu ý khi tập luyện tránh gây hại sức khỏe

Để đảm bảo tập luyện đúng cách, không gây hại sức khỏe, điều quan trọng nhất là người bệnh cần lắng nghe cơ thể, tự theo dõi sức khỏe của mình. Trong đợt bệnh cấp tính, người bệnh không nên tập thể dục, cần nghỉ ngơi cho đến khi sức khỏe ổn định. Sau đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và bắt đầu tập luyện một cách từ từ. Tốt nhất là chỉ chọn những môn thể thao không đòi hỏi nhiều thể lực như đi bộ, thể dục nhẹ nhàng, tập thở…

Nếu cảm thấy sức khỏe không ổn, cần dừng tập. Tránh tập luyện quá sức, không phù hợp với tình trạng sức khỏe, sẽ gây phản tác dụng.

Theo suckhoedoisong.vn