Đổ mồ hôi trộm là một hiện tượng khá phổ biến, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, gây ra cảm giác khó chịu, mất ngủ và mệt mỏi.

Đổ mồ hôi trộm thường liên quan đến sự mất cân bằng trong hệ thần kinh tự chủ hoặc tình trạng suy nhược cơ thể, và có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân như căng thẳng, bệnh lý nền, hoặc rối loạn nội tiết.

Tình trạng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Do vậy cần có phương pháp tầm soát, chăm sóc và điều trị thích hợp.

1. Vai trò của tập luyện, xoa bóp với người bệnh đổ mồ hôi trộm

Tập luyện và xoa bóp là một trong những phương pháp không dùng thuốc đã được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi trong các phương pháp điều trị các bệnh lý hiện nay, cũng cho thấy hiệu quả trong việc hỗ trợ và cải thiện đối với tình trạng đổ mồ hôi trộm.

Theo y học hiện đại:

Tập luyện giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tuần hoàn máu và điều hòa hệ thần kinh giao cảm, giảm căng thẳng - yếu tố thường gây ra chứng đổ mồ hôi đêm. Việc vận động còn giúp điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh tự chủ, từ đó giúp ổn định nhiệt độ cơ thể và giảm đổ mồ hôi.

Xoa bóp có thể kích thích hệ tuần hoàn, thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, giúp kiểm soát được tình trạng đổ mồ hôi ban đêm.

Theo y học cổ truyền:

Chứng mồ hôi trộm có liên quan đến hư lao, chủ yếu do âm hư, dương khí không ổn định, dẫn đến mất cân bằng âm dương. Việc tập luyện giúp điều hòa khí huyết, cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường âm và bổ dương, từ đó làm giảm triệu chứng.

Xoa bóp tác động vào các kinh mạch, giúp lưu thông khí huyết, điều hòa tạng phủ, đặc biệt là phế, tỳ và thận - những cơ quan chính liên quan đến chứng đổ mồ hôi trộm.

Xoa bóp bấm huyệt như là một biện pháp hỗ trợ nhằm kết hợp với các phương pháp điều trị khác như thuốc thang, châm cứu và dưỡng sinh nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Bài tập cho người đổ mồ hôi trộm- Ảnh 1.

Đổ mồ hôi trộm rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ em.

2. Các bài tập hỗ trợ tình trạng đổ mồ hôi trộm

2.1 Bài tập yoga hít thở sâu

Công dụng: Bài tập hít thở sâu giúp điều hòa hệ thần kinh tự chủ (autonomic nervous system), vốn là hệ thần kinh liên quan trực tiếp đến quá trình điều tiết mồ hôi. Khi tập luyện đều đặn, giúp giảm căng thẳng và cải thiện sự cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, từ đó giúp giảm đổ mồ hôi đêm.

Thực hiện:

  • Ngồi thẳng lưng, giữ tư thế thoải mái.
  • Hít vào từ từ qua mũi, đếm đến 4, giữ hơi thở trong 4 giây, sau đó chu môi thở ra qua miệng trong 4 giây.
  • Lặp lại 10-15 lần.

2.2 Bài tập căng giãn cơ vai cổ

Công dụng: Các động tác căng giãn cơ vùng cổ và vai giúp giải phóng sự căng thẳng, tăng lưu thông máu ở vùng trên cơ thể, đặc biệt là đến hệ thần kinh trung ương. Điều này giúp giảm căng thẳng thần kinh, từ đó làm giảm tình trạng đổ mồ hôi do hệ thần kinh hoạt động quá mức.

Thực hiện:

  • Ngồi thẳng hoặc đứng.
  • Từ từ nghiêng đầu về một phía đến khi cảm thấy căng cơ vùng cổ vừa phải và giữ trong 10 giây, sau đó đổi bên. Lặp lại 5-10 lần.
  • Từ từ xoay đầu về một phía đến khi cảm thấy căng cơ vùng cổ vừa phải và giữ trong 10 giây, sau đó đổi bên. Lặp lại 5-10 lần.
  • Từ từ cúi đầu đến khi thấy căng vùng cổ gáy vừa phải và giữ 10 giây, sau đó ngửa đầu ra sau và giữ 10 giây. Lặp lại 5-10 lần.
daumoico6dxcjGJWV_2019052072626

Căng giãn cơ vai cổ giúp làm giảm tình trạng đổ mồ hôi trộm.

2.3 Thư giãn

Công dụng: Giúp cơ thể thư giãn hoàn toàn, điều hòa hệ thần kinh tự chủ, giảm sự kích thích của hệ thần kinh giao cảm. Điều này giúp giảm mồ hôi trộm, đặc biệt là khi mồ hôi trộm liên quan đến căng thẳng tâm lý.

Thực hiện: Ngồi thoải mái, nhắm mắt, tập trung vào hơi thở, hít vào và thở ra sâu đều đặn trong 5-10 phút.

2.4 Bài tập đi bộ nhanh

Công dụng: Đi bộ nhanh giúp tăng cường tuần hoàn, cải thiện khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể và làm giảm tình trạng đổ mồ hôi trộm. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục đều đặn, đặc biệt là các bài tập aerobic như đi bộ, giúp ổn định hoạt động của hệ thần kinh tự chủ.

Thực hiện: Thực hiện đi bộ nhanh từ 30-45 phút mỗi ngày, kết hợp hít thở sâu và đều.

lich-di-bo-giam-can-2

Đi bộ nhanh hàng ngày cải thiện khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể, giảm đổ mồ hôi trộm.

2.5 Thở 4 thời có kê mông và giơ chân

Công dụngLuyện tổng hợp về thần kinh, hô hấp và đặc biệt giúp khí huyết lưu thông tốt để nuôi dưỡng và vận hóa các tạng phủ, giúp giảm căng thẳng, từ đó giúp kiểm soát triệu chứng đổ mồ hôi trộm.

Thực hiện:

+ Tư thế: Tốt nhất là nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông (kê mông cao hay thấp tùy sức, tùy bệnh, đặc biệt thận trọng nếu người bệnh có tăng huyết áp), chân thẳng. Tay trái để trên bụng để theo dõi bụng phình lên xẹp xuống, tay phải để trên ngực để theo dõi ngực nở lên/xẹp xuống.

+ Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng cứng. Thời gian 4 - 6 giây "Hít vào, ngực nở, bụng căng".

+ Thời 2: Giữ hơi, cơ hoành và các cơ lồng ngực đều co thắt tối đa, thanh quản mở, giơ chân cao khoảng 20cm. Thời gian 4 - 6 giây, rồi để chân xuống "Giữ hơi và cố hít thêm".

+ Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, không kìm, không thúc. Thời gian 4 - 6 giây "Thở ra, không kìm, không thúc".

+ Thời 4: Thư giãn hoàn toàn, có cảm giác nặng và ấm. Thời gian 4 - 6 giây "Nghỉ nặng ấm tay chân".

Sau đó tiếp tục quay lại thời 1. Mỗi lần tập ít nhất 10 hơi thở.

Lưu ý: Trong trường hợp người bệnh sức khỏe yếu do mới nằm viện hoặc người cao tuổi, ta có thể tập 2 thời quân bình âm dương, trong đó thời 1 hít vào sâu tích cực (2 - 3 giây), sau đó thời 2 thở ra tự nhiên thoải mái tự nhiên, không kìm, không thúc, toàn thân mềm giãn. Mỗi lần tập khoảng 10 hơi/lần tập.

3. Những lưu ý khi tập luyện với người bệnh đổ mồ hôi trộm

Thời điểm tập tốt trong ngày

Nên tập vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, khi nhiệt độ cơ thể ổn định và không quá cao. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào ghi nhận tập các bài tập hay các vận động thể chất vào buổi nào trong ngày là tốt nhất, mà phụ thuộc vào thể chất, sức khỏe của mỗi người và thời gian của từng cá nhân.

Tốt nhất là duy trì tập luyện vào cùng một thời điểm trong mỗi ngày. Tùy vào những thời gian tập khác nhau trong ngày, ta có những lợi ích sau:

- Buổi sáng: Tập thể dục vào buổi sáng thường không áp lực vào thời gian, giúp cơ thể tiết ra được một lượng hormon endorphin có tác dụng kích thích động lực, giúp cơ thể khỏe khoắn hơn.

Tuy nhiên, sau một giấc ngủ dài, khớp của chúng ta bất động lâu sẽ khiến ta cảm thấy cứng khớp vào sáng sớm, vì vậy khi tập vào buổi sáng chúng ta nên vận động nhẹ nhàng và tăng dần lên để tránh những chấn thương hoặc bị chuột rút.

- Buổi trưa: Có thể tập nhẹ nhàng vì đây là thời điểm nhiệt độ cơ thể đạt ngưỡng cao, đảm bảo sức mạnh của cơ cho các bài tập.

Lưu ý: Vì đây là thời điểm nhiệt độ cao nên khi tập có thể sẽ gây mất nước nghiêm trọng, nên bổ sung nước và điện giải trong lớp tập. Ngoài ra, không nên tập ngay sau ăn để hạn chế đau dạ dày, nên ăn trước tập 30 phút.

- Buổi chiều tối: Chiều tối là lúc cơ thể duy trì mức độ tập luyện ổn định trong một ngày, giúp giảm nguy cơ chấn thương, tránh hạn chế về mặt thời gian và các tác động bên ngoài, chuẩn bị cho giấc ngủ.

Khi bệnh đang ở giai đoạn cấp có nên tập không?

Nếu đổ mồ hôi trộm xảy ra quá nhiều, gây mệt mỏi và suy nhược, đầu tiên người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để tầm soát và kiểm tra bệnh, cùng với đó người bệnh nên hạn chế các bài tập nặng, nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như hít thở sâu, thư giãn, thở 4 thời có kê mông....

Trong các trường hợp quá mệt mỏi, người bệnh không nên tập luyện quá sức, nên tạm dừng tập luyện và nghỉ ngơi để tránh làm suy yếu thêm cơ thể.

Các trường hợp chống chỉ định nên tạm dừng tập luyện để bảo vệ sức khỏe

  • Người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc suy hô hấp nghiêm trọng.
  • Đang bị sốt cao, hoặc các bệnh cấp tính gây suy nhược cơ thể.
  • Mất ngủ nghiêm trọng hoặc kiệt sức.

Cách tập không gây hại sức khỏe

  • Nên khởi động bằng các động tác kéo giãn nhẹ nhàng toàn thân (tay, vai, chân), hít thở đều để tăng cường lưu thông khí huyết.
  • Xoa bóp nhẹ vùng cổ, vai, lưng để làm nóng cơ bắp, giúp giãn cơ chuẩn bị cho bài tập chính.
  • Uống một ít nước trước khi tập và đảm bảo không tập lúc đói và tập cách buổi ăn khoảng 30 phút.

Theo suckhoedoisong.vn