Mặc cảm càng làm trẻ lên cân

Một đứa trẻ bụ bẫm có thể được nựng nịu vì cái cổ tay đầy ngấn, đôi má sóc chuột, nhưng nếu sự “dễ cưng” đó kéo dài vào tuổi dậy thì và trưởng thành, nó sẽ mang đến một loạt vấn đề tâm sinh lý.

Theo nhà tâm lý học Naina Suri - Trung tâm Trị liệu liên ngành trẻ em Hồng Kông (Trung Quốc) - một đứa trẻ thừa cân thường thiếu tự tin. “Các em có thể đánh đồng cơ thể mình với sự xấu hổ và cảm thấy khó khăn để hòa nhập. Một nghiên cứu còn chỉ ra trường hợp trẻ béo phì đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ lúc chưa đầy hai tuổi”, bà Suri nói. 

  • leftcenterrightdel
 
Chính việc thu mình lại với xã hội lại cộng hưởng đến vấn đề cân nặng. Đứa trẻ có thể phải ăn theo cảm xúc buồn vui, khiến chúng dễ bị rối loạn dinh dưỡng. Một số nghiên cứu đã chứng minh các triệu chứng liên quan đến chứng biếng ăn hoặc nghiện ăn thường thấy ở trẻ em và thanh niên béo phì.

Khi phải thu mình vì mặc cảm, trẻ lại tìm kiếm niềm an ủi trong thế giới ít hoạt động thể chất và thế là lại tăng cân. Chu kỳ này tự “xoắn ốc” thành một thói quen và có thể kéo dài. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, béo phì ở trẻ em là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng do cuộc sống chung bị cản trở bởi các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, đột quỵ và các gánh nặng chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt.

Theo giáo sư Albert Martin Li - Trung tâm Nhi khoa Hồng Kông (Trung Quốc) - ngoài những nguyên nhân thông thường như lười vận động, lướt internet quá nhiều, chế độ ăn uống nhiều béo, còn có một “thủ phạm” khác: ngủ không đủ giấc, là một yếu tố nguy cơ gây béo phì. Trẻ béo phì có thể gia tăng các bất thường về huyết áp, tắc nghẽn đường thở khi ngủ, tiểu đường và các vấn đề về cơ xương khớp do sự quá tải cơ thể. 

Sa sút trí tuệ 

Một nghiên cứu ở Úc xác định thêm rủi ro về sức khỏe mạn tính liên quan đến thừa cân ở tuổi nhi đồng: trẻ béo phì dễ mắc chứng sa sút trí tuệ. Các nghiên cứu lâu nay đã phát hiện những người từ tuổi trung niên trở lên bị cao huyết áp, bụng to, tim mạch yếu thì chức năng nhận thức có nhiều nguy cơ kém đi. 

Tiến sĩ Jamie Tait - giảng viên Khoa học thể dục thể thao Đại học Deakin (Úc) - nói: “Chúng ta đã biết, ít hoạt động thể chất và thừa cân có thể dẫn đến huyết áp cao và tiểu đường ở tuổi trung niên. Do đó, chúng tôi cũng tự hỏi liệu những đứa trẻ vừa kém thể lực vừa béo phì có thể gặp các vấn đề về trí nhớ và tư duy sau này khi trưởng thành không”.

Hoạt động thể chất được chứng minh là tạo ra các mạch máu và tế bào thần kinh mới, cải thiện lưu lượng máu đến não và giúp giảm các yếu tố nguy cơ. Điều này thực sự mang lại cho não bộ cơ hội để hoạt động ở mức tối ưu.

Các nghiên cứu cho thấy cha mẹ là hình mẫu ảnh hưởng tích cực đến thói quen hoạt động thể chất của con, theo ông Li. “Điều quan trọng là trẻ em cần được cha mẹ, anh chị em, giáo viên khuyến khích tham gia hoạt động thể chất và thể dục khi có thể. Điều đó làm tăng động lực hoạt động, hình thành thói quen kéo dài suốt tuổi thọ và tạo điều kiện tối ưu cho não bộ trong các giai đoạn phát triển”, ông Li cho biết thêm.

Tiến sĩ tâm lý trị liệu Quratulain Zaidi (Anh) khuyên rằng điều quan trọng là phải sử dụng đúng thông điệp, “quan trọng là khỏe mạnh hơn, chứ không phải chuyện giảm cân hay ăn kiêng”. Muốn như thế, phải chăm chút cho những bữa ăn dinh dưỡng phù hợp và lối sống năng động. Hãy cố gắng thể hiện sự tự tin về cơ thể của chính bạn, đồng thời, hạn chế tối đa việc bình phẩm về ngoại hình và cơ thể người khác. 

Theo Naina Suri, cần giảm tối đa thời gian trẻ dành cho các thiết bị kỹ thuật số. Bởi nó khiến cơ thể ít vận động, dẫn đến tăng cân và ảnh hưởng đến cảm xúc. Dùng thiết bị di động nhiều còn khiến trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ. Như đã nói, ngủ không đủ giấc có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến ăn quá nhiều. 

Theo phunuonline