Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm đã qua chế biến và tinh chế là nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ béo phì. 

Một nghiên cứu mới kéo dài hơn 1 năm về thói quen ăn uống của 9.341 người Úc cho thấy, việc tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến cực nhanh đang thúc đẩy đại dịch béo phì. Lượng protein quá ít trong đồ ăn nhanh khiến mọi người ăn  thêm nhiều để phản ứng lại sự thèm ăn của cơ thể đối với protein.

Nghiên cứu mới dựa trên một cuộc khảo sát dinh dưỡng và hoạt động thể chất quốc gia do Cục Thống kê Úc (ABS) thực hiện, và ủng hộ thêm 'Giả thuyết đòn bẩy protein'. Nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Charles Perkins của Đại học Sydney (CPC) và được xuất bản trong số mới nhất của tạp chí Béo phì.

photo-1668135233572

Nghiên cứu xác nhận rằng thực phẩm đã qua chế biến là một nguyên nhân làm gia tăng bệnh béo phì.

Lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2005 bởi các giáo sư Raubenheimer và Stephen Simpson, Giả thuyết đòn bẩy protein lập luận rằng, mọi người ăn quá nhiều chất béo và carbohydrate vì cơ thể thèm ăn protein, thứ mà cơ thể ưa thích hơn mọi thứ khác. Chế độ ăn uống bao gồm các loại thực phẩm đã qua chế biến và tinh chế có hàm lượng protein thấp, do đó mọi người càng có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng hơn cho đến khi đáp ứng được nhu cầu protein của cơ thể.

1. Thực phẩm đã qua chế biến thiếu protein và làm tăng cảm giác thèm ăn

"Khi mọi người tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt hoặc thực phẩm đã qua chế biến và tinh chế sẽ làm loãng protein trong chế độ ăn và làm tăng nguy cơ thừa cân và béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính," tác giả chính của nghiên cứu - TS Amanda Grech, một nghiên cứu viên tại CPC và Trường Khoa học Môi trường và Đời sống của Đại học Sydney cho biết.

Còn theo GS David Raubenheimer, Chủ tịch Leonard Ullmann về Sinh thái dinh dưỡng tại Trường Khoa học Môi trường và Đời sống: "Con người, giống như nhiều loài khác, thèm ăn protein hơn là các chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng như chất béo và carbohydrate. Điều đó có nghĩa là nếu protein trong chế độ ăn của chúng ta được pha loãng với chất béo và carbohydrate, chúng ta sẽ ăn nhiều năng lượng hơn để có được lượng protein mà cơ thể chúng ta thèm muốn".

2. Protein cần thiết cho sức khỏe 

Protein là nền tảng của sự sống. Mọi tế bào trong cơ thể đều chứa protein và chúng được sử dụng để sửa chữa hoặc tạo ra tế bào mới; và người ta ước tính rằng có tới hơn một triệu dạng protein cần thiết để cơ thể con người hoạt động. Nguồn thực phẩm cung cấp protein bao gồm thịt, sữa, cá, trứng, đậu nành, các loại đậu, một số loại ngũ cốc như mầm lúa mì và quinoa.
photo-1668135236783

Protein có nhiều chức năng quan trọng đối với tế bào và cơ thể.

Các nhà khoa học của Đại học Sydney đã phân tích dữ liệu từ một cuộc khảo sát về dinh dưỡng và hoạt động thể chất ở 9.341 người trưởng thành, được thực hiện từ tháng 5/2011 đến tháng 6/2012, với độ tuổi trung bình là 46,3 tuổi.

Họ phát hiện ra năng lượng trung bình của dân số là 8.671 kilojoules (kJ), với tỷ lệ năng lượng trung bình từ protein chỉ là 18,4%, so với 43,5% từ carbohydrate và 30,9% từ chất béo, và chỉ 2,2% từ chất xơ và 4,3% từ rượu bia.

Sau đó, họ lập biểu đồ năng lượng tiêu thụ so với thời gian tiêu thụ và nhận thấy rằng mô hình phù hợp với dự đoán của Giả thuyết đòn bẩy protein. Những người tiêu thụ lượng protein thấp hơn trong bữa ăn đầu tiên trong ngày sẽ tiếp tục tăng lượng thức ăn tổng thể của họ trong các bữa ăn tiếp theo đó, trong khi những người nhận được đủ lượng protein khuyến nghị lại giảm lượng thức ăn của họ trong suốt cả ngày.

3.'Đói protein' là nguyên nhân dẫn đến việc ăn quá nhiều

Các nhà khoa học cũng tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm vào bữa ăn thứ 3 trong ngày: những người có tỷ lệ năng lượng từ protein vào đầu ngày cao hơn có tổng năng lượng tiêu thụ trong ngày thấp hơn nhiều. Trong khi đó, những người tiêu thụ thực phẩm ít protein vào đầu ngày có nhu cầu tiếp tục tăng lượng tiêu thụ, cơ thể họ tìm cách bù đắp bằng mức tiêu thụ năng lượng tổng thể cao hơn.

photo-1668135238007
 

Các loại thực phẩm đã qua chế biến và tinh chế là nguyên nhân chính dẫn đến năng lượng tiêu thụ quá mức và béo phì. (ảnh minh họa)

Những người có tỷ lệ protein thấp hơn so với khuyến nghị trong bữa ăn đầu tiên tiêu thụ nhiều thực phẩm tùy ý hơn (thực phẩm giàu năng lượng, giàu chất béo bão hòa, đường, muối hoặc rượu) và ít hơn 5 nhóm thực phẩm được khuyến nghị (ngũ cốc; rau/các loại đậu; trái cây; sữa và thịt). Do đó, họ có một chế độ ăn tổng thể kém hơn vào mỗi bữa ăn, tỷ lệ năng lượng protein của họ giảm dần ngay cả khi lượng thức ăn tùy ý của họ tăng lên - một hiệu ứng mà các nhà khoa học gọi là 'pha loãng protein'.

Trong khi nhiều yếu tố góp phần làm tăng cân quá mức - bao gồm cách ăn uống, mức độ hoạt động thể chất và thói quen ngủ - các nhà khoa học của Đại học Sydney cho rằng nhu cầu mạnh mẽ của cơ thể đối với protein và việc ăn các loại thực phẩm đã qua chế biến và tinh chế là nguyên nhân chính dẫn đến năng lượng tiêu thụ quá mức và béo phì.

Theo suckhoedoisong.vn