Ăn hạnh nhân khi bụng đói, nhất là vào bữa sáng, có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên ăn hạnh nhân ở mức vừa phải, tức khoảng 10 đến 15 hạt mỗi ngày, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

leftcenterrightdel
 Ăn hạnh nhân lúc đói sẽ giúp cơ thể hấp thụ tối đa dưỡng chất trong loại quả này

Ăn hạnh nhân lúc bụng đói có thể mang lại những lợi ích sau:

Tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng

Hạnh nhân rất giàu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin E, magiê và vitamin B2. Khi bụng đói, cơ thể sẽ hấp thụ các dưỡng chất này hiệu quả hơn.

Nếu vitamin E là chất chống ô xy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi căng thẳng ô xy hóa thì magiê hỗ trợ chức năng cơ và thần kinh. Vitamin B2 đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng.

Cải thiện sức khỏe tiêu hóa

Hạnh nhân là nguồn cung cấp chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hóa. Chất xơ trong hạnh nhân thúc đẩy nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón.

Ngoài ra, hạnh nhân cũng chứa prebiotic giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn trong ruột và giữ cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột. Những lợi ích này sẽ giúp cải thiện tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.

Điều chỉnh đường huyết

Hạnh nhân có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất béo lành mạnh, chất xơ và protein thực vật. Những dưỡng chất này có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, nhờ đó góp phần giúp kiểm soát đường huyết. Những điều này đặc biệt cần thiết cho những người mắc tiểu đường loại 2 hay đang ở trong giai đoạn tiền tiểu đường.

Tăng cường chức năng não

Hạnh nhân được xem là thực phẩm có tác dụng tăng cường trí não, giàu các dưỡng chất cần thiết cho hoạt động não bộ như vitamin E, folate và a xít béo omega-3. Những dưỡng chất này có tác dụng duy trì chức năng nhận thức.

Trong đó, vitamin E có đặc tính bảo vệ tế bào thần kinh, giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác. Folate hỗ trợ sự phát triển và chức năng não. A xít béo omega-3 đóng vai trò quan trọng giúp duy trì màng tế bào khỏe mạnh, theo Healthline.

Theo Thanh niên