Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa đa phần là do thoát vị đĩa đệm L4/L5 hay L5/S1 gây chèn ép các rễ thần kinh tương ứng. Ngoài ra, đau thần kinh tọa còn có các nguyên nhân hiếm gặp khác như do viêm nhiễm, u thần kinh, ung thư xâm lấn chèn ép thần kinh tọa.
Nhận biết đau thần kinh tọa
Biểu hiện của bệnh là tình trạng đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa. Thông thường là đau vùng cạnh sống thắt lưng bên phải hoặc bên trái. Tùy theo vị trí tổn thương mà biểu hiện lâm sàng cũng khác nhau:
- Đau rễ thần kinh L5: đau vùng hông lan đến phần giữa của mông, phía sau và bên của đùi, mặt ngoài của cẳng chân, mặt mu của bàn chân, tận cùng là ngón chân cái và 3 ngón giữa.
- Đau rễ thần kinh S1: đau vùng hông lưng lan đến phần giữa của mông, mặt sau của đùi, mặt sau cẳng chân (bắp chân), gót chân, gan bàn chân và tận cùng là ngón chân út (ngón 5 của bàn chân).
Nếu bệnh nhân đau thần kinh tọa đã lâu thì có thể dẫn đến teo cơ bên chân đau .
Hình ảnh đau thần kinh tọa.
Chẩn đoán đau thần kinh tọa
Chẩn đoán đau thần kinh tọa dựa vào biểu hiện lâm sàng đặc trưng và chẩn đoán xác định nguyên nhân dựa trên xét nghiệm cận lâm sàng mà chủ yếu là MRI cột sống thắt lưng hoặc CT cột sống thắt lưng ở những nơi không có điều kiện chụp MRI.
Lưu ý một số triệu chứng giúp định hướng chẩn đoán nguyên nhân khác ngoài thoát vị đĩa đệm là do viêm nhiễm hoặc bệnh lý khác của cột sống như: sốt, gầy sút, đau nhiều về đêm, ảnh hưởng cả sức khỏe, đau cột sống thắt lưng cao L1-L3 hoặc đau S1-S3, bệnh nhân có một số biểu hiện khác ngoài dấu hiệu đau thần kinh tọa,…
Các xét nghiệm thường được chỉ định như: huyết học, sinh hóa, chỉ số viêm,…và một số bất thường về xét nghiệm huyết học và/hoặc sinh hóa ...giúp định hướng chẩn đoán nguyên nhân khác.
- Chụp X-quang cột sống thắt lưng: Giúp chẩn đoán phân biệt khi có biểu hiện bất thường như trượt đốt sống, viêm thân sống đĩa đệm, dấu hiệu hủy xương hoặc đặc xương bất thường.
- Chụp CT cột sống: giúp chẩn đoán được nguyên nhân gây đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm hay do nguyên nhân khác.
- Chụp MRI cột sống: đây là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ, dạng thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, trên MRI cũng giúp chẩn đoán được các nguyên nhân khác như do viêm nhiễm, u thần kinh, di căn ung thư,…
Chẩn đoán giúp phân biệt đau thần kinh tọa với các bệnh khác như: Đau thần kinh đùi, đau thần kinh bị đùi, đau thần kinh bịt; Bệnh lí khớp háng như: hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, viêm khớp háng, thoái hóa khớp háng; Bệnh lí cơ thắt lưng chậu: viêm, áp xe, u; Viêm khớp cùng chậu, viêm cột sống dính khớp, loãng xương gãy lún đốt sống,..
Những người thường xuyên mang vác nặng, chạy xe đường dài, vận động viên… dễ bị đau dây thần kinh và bệnh xương khớp.
Chữa đau thần kinh tọa thế nào?
Sau khi đã xác định được nguyên nhân đau thần kinh tọa thì tùy theo nguyên nhân mà có phương pháp điều trị cho phù hợp.
- Điều trị đau thần kinh tọa cấp tính
Hầu hết các trường hợp đau thần kinh tọa cấp tính đều đáp ứng tốt với các biện pháp tự chăm sóc, bao gồm: Thuốc giảm đau như ibuprofen. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc giảm đau đều phù hợp với tất cả mọi người; người bệnh cần được bác sĩ tư vấn. Các bài tập như đi bộ hoặc kéo dài nhẹ. Chườm nóng hoặc lạnh giúp giảm đau.
- Điều trị đau thần kinh tọa mạn tính
Điều trị đau thần kinh tọa mạn tính thường bao gồm sự kết hợp của các biện pháp tự chăm sóc và điều trị y tế: Tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, nhất là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) – giúp kiểm soát cơn đau mãn tính bằng cách huấn luyện mọi người phản ứng khác với cơn đau của họ thuốc giảm đau.
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu các triệu chứng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và tiếp tục tăng cường.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau thần kinh tọa, bác sĩ phẫu thuật sẽ xem xét các rủi ro và lợi ích của phẫu thuật và có thể đề xuất một lựa chọn phẫu thuật phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh còn cần tập vật lý trị liệu. Có nhiều cách để giảm áp lực lên dây thần kinh tọa thông qua tập thể dục giúp người bệnh tự giảm bớt các triệu chứng gây đau, giảm hoặc tránh dùng thuốc… Massage ; Thể dục trị liệu với các bài tập kéo giãn cột sống, bơi, xà đơn treo nhẹ người…hoặc đeo đai lưng hỗ trợ.
Tóm lại, đau thần kinh tọa không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh mà còn có thể biến chứng dẫn đến vận động nên cần phòng ngừa từ sớm. Hãy áp dụng các biện pháp sau: Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày. Duy trì tư thế ngồi phù hợp, không ngồi một chỗ quá lâu. Hạn chế khuân vác nặng. Hạn chế nâng hoặc vặn thắt lưng thường xuyên.
Đau thần kinh tọa hoàn toàn có thể chữa trị nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Đối với các trường hợp bị đau thần kinh tọa nhẹ người bệnh có thể điều chỉnh thông qua các biện pháp như:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, vận động: Để giảm sự chèn ép, cải thiện tình trạng đau thần kinh tọa người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi, vận động hợp lý. Tránh thức khuya, hạn chế các công việc nặng nhọc và các hoạt động ảnh hưởng đến dây thần kinh, chú ý tư thế ngồi, nằm, kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng: Thông qua việc bổ sung dinh dưỡng sẽ hỗ trợ quá trình điều trị, giảm áp lực cho xương khớp, các dây thần kinh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển. Bệnh nhân đau thần kinh tọa nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, omega3, vitamin nhóm B...
- Tập luyện hỗ trợ: Người bệnh có thể tham khảo, thực hiện các động tác, tư thế nhẹ nhàng, giảm chèn ép thần kinh như tư thế rắn hổ mang, tư thế em bé, tư thế cây cầu... Ngoài ra các môn thể thao, bài tập không dùng quá nhiều sức cũng được khuyến khích.
|
Theo suckhoedoisong.vn