Võng mạc mắt là cơ quan lão hóa sớm nhất trên cơ thể.
Ánh sáng đỏ vốn được ứng dụng nhiều trong chuyên ngành da liễu. Ánh sáng đỏ (bước sóng 630nm), với nguồn sáng là đèn LED không tạo ra tia UV hay hồng ngoại tạo hiệu quả sinh học trên da như: kích thích sự sống tế bào, tăng tuần hoàn máu, tăng cường việc sản sinh tế bào, collagen dưới da, đồng thời tăng cường việc thay thế tế bào cũ bằng tế bào mới. Do đó ánh sáng đỏ có tác dụng trị liệu vàng da, chống nhăn, tăng khả năng tuần hoàn cho da...
Không dừng lại ở đó, mới đây theo một nghiên cứu công bố, ánh sáng đỏ có thể giúp ngăn ngừa hủy hoại ty lạp thể ở võng mạc, dẫn tới tăng cường thị lực. Chỉ với một vài phút nhìn thật sâu vào đèn đỏ có thể ngăn ngừa hữu hiệu chứng giảm thị lực ở người cao tuổi.
Nếu kết quả này được khẳng định mở rộng bởi các nghiên cứu trong tương lai thì ánh sáng đỏ có thể mang lại cho con người thêm một công cụ bảo vệ chống lại lão hóa tự nhiên, lão hóa thị giác. Từ độ tuổi 40, người ta có nguy cơ cao mắc các bệnh mắt như đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc đái tháo đường, glocom, thoái hóa hoàng điểm do tuổi già.
Các nhà khoa học lý giải như sau: Ánh sáng đỏ sẽ kích thích các ti thể còn khỏe mạnh, chúng giống như pin năng lượng của các tế bào. Võng mạc của chúng ta là nơi tập trung cao nhất các ti thể hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Ti thể hấp phụ bước sóng của ánh sáng đỏ, do vậy thử nghiệm với ánh sáng phổ gần hồng ngoại là thích hợp. Và bởi vì ti thể được coi là yếu tố đứng đằng sau hàng loạt bệnh tật, nên thậm chí phát hiện này được cho là sẽ dẫn tới hàng loạt phương pháp điều trị mới cho các bệnh như Parkinson, đái tháo đường...
Dễ dàng và an toàn khi sử dụng
Nghiên cứu mới tiến hành trên người dựa trên các nghiên cứu trước đó trên ruồi và chuột cũng chứng minh hiệu quả cải thiện chức năng của ti thể bằng ánh sáng đỏ. Ví dụ nghiên cứu năm 2015 chứng minh ánh sáng cận hồng ngoại có thể thúc đẩy tạo năng lượng, tăng cường vận động và kéo dài tuổi thọ của ruồi. Nghiên cứu năm 2017 trên chuột ghi nhận ánh sáng đỏ cận hồng ngoại tăng cường chức năng võng mạc của chuột lên tới 25%.
Thử nghiệm điều trị trên người diễn ra như sau: 12 nam và nữ, tuổi từ 28 đến 72. Mỗi người được trang bị đèn flash phát ánh sáng đỏ với bước sóng 670 nm. Đối tượng điều trị được nhìn vào đèn khoảng 3 phút cho mỗi ngày và liên tục như vậy trong 2 tuần. Ánh sáng đỏ tác động vào cả tế bào nón (giúp cảm thụ ánh sáng, màu sắc ban ngày) lẫn tế bào que (giúp cảm thụ ánh sáng, màu sắc ban đêm). Kết quả cho thấy khoảng 14% đối tượng có cải thiện về khả năng nhìn màu hay độ tương phản màu sắc của tế bào nón. Mức cải thiện rõ ràng nhất ở những người tham gia trên 40 tuổi. Ở lứa tuổi này, độ nhạy cảm tương phản của tế bào nón tăng 20% trong suốt quá trình nghiên cứu.
Các nghiên cứu độc lập và lâu dài về ánh sáng đỏ trên con người chứng minh đây là phương pháp có lợi để bảo vệ thị giác. Tuy vậy bạn vẫn cần dùng những sản phẩm hiệu chỉnh với sự giám sát của bác sĩ chứ không nên tự ý thực hiện.
Theo suckhoedoisong