Ngày 16.10, tại hội nghị cập nhật nội soi điều trị ung thư tiêu hóa giai đoạn sớm và các bệnh lý mật tụy do Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) tổ chức, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đức Thông, Trưởng khoa Nội soi viện này, cho biết số ca được phát hiện ung thư dạ dày sớm tại Việt Nam hiện thấp.
Ông dẫn chứng, một báo cáo hồi cứu từ năm 2014 - 2019 cho thấy, trong 1.606 ca ung thư dạ dày ở TP.HCM thì chỉ có 4% số ca được phát hiện ở giai đoạn sớm. Một nghiên cứu khác tại Huế từ 2013 – 2018 thì tỷ lệ này là 7,6%. Trong khi đó tại Hàn Quốc, tỷ lệ phát hiện sớm ung thư dạ dày là hơn 63%, Nhật Bản là trên 70%.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, trong đó chương trình tầm soát là một yếu tố quan trọng, nhưng ở Việt Nam chưa có chương trình tầm soát ở cấp độ quốc gia. Bệnh nhân chủ yếu được tầm soát cơ hội, tức khi bệnh nhân đến khám vì bệnh lý, triệu chứng bệnh khác", bác sĩ Thông nói.
Trong khi đó, Nhật Bản đã có chương trình tầm soát từ năm 1960 (ban đầu là X-quang dạ dày có cản quang, sau đó là nội soi dạ dày) với bệnh nhân trên 40 tuổi, thực hiện 1 năm/lần. Gần đây, tỷ lệ ung thư dạ dày ở Nhật Bản giảm nên chương trình tầm soát được điều chỉnh dành cho người trên 50 tuổi, và 2-3 năm/lần.
Bác sĩ Kinoshita Koshi, Trưởng khoa Nội tiêu hóa và nội soi, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản) thông tin thêm tại hội thảo, hiện nay tại Nhật Bản ung thư dạ dày giảm vì tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) giảm. Và những năm qua, việc phát hiện và điều trị ung thư này tại Nhật có những tiến bộ đáng kể.
Để được như các nước, bác sĩ Thông cho rằng, cần có chương trình nội soi tầm soát ung thư dạ dày trên các nhóm có nguy cơ cao như bệnh nhân nhiễm HP đã điều trị nhưng sau đó bị viêm teo dạ dày nặng, chuyển sản ruột nặng. Muốn vậy cần có sự phối hợp giữa bác sĩ nội soi, bác sĩ khám bệnh, cũng như các bác sĩ điều trị lâm sàng để theo dõi sát bệnh nhân.
Với bác sĩ nội soi, lưu ý trách nhiệm và nghĩa vụ khi cầm ống soi cho bệnh nhân, kỹ thuật soi cần đảm bảo tránh bỏ sót tổn thương, đảm bảo thời gian soi.
Cần nhân lực và có các khóa đào tạo chính thức về kỹ thuật nội soi (như ESD) vì đây là xu thế phát triển, cùng với đó là đầu tư trang bị thiết bị y tế hiện đại.
Truyền thông làm cho người dân thấy được lợi ích việc tầm soát phát hiện ung thư sớm.
Tại hội nghị, ngoài hướng dẫn lý thuyết về nội soi, chẩn đoán và phát hiện ung thư đường tiêu hóa, bác sĩ Kinoshita Koshi cũng thực hiện nội soi can thiệp trực tiếp để chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm tại Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Từ 2010 đến nay, khoa Nội soi Bệnh viện Nguyễn Trãi thực hiện hầu hết các thủ thuật nội soi tiêu hóa như dạ dày, đại tràng, cắt polyp cầm máu qua nội soi, mở dạ dày ra da, lấy dị vật.
Trong đó, nội soi chẩn đoán dạ dày từ 10.000 - 20.000 ca/năm và đại tràng từ 4.000 - 4.5000 ca/năm. Nội soi điều trị khoảng 1.200 ca/năm. Về nội soi xuất huyết tiêu hóa, 3 năm gần đây, bệnh viện thực hiện gần 560 ca, trong đó có nguyên nhân do ung thư...
Năm 2023 và 2024 bệnh viện bắt đầu thực hiện kỹ thuật ESD.
|