leftcenterrightdel
 Trào ngược dạ dày gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và cuộc sống người bệnh. Ảnh:Pexels.

Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) là bệnh tiêu hóa mạn tính, xảy ra khi dịch tiêu hoá của dạ dày thường xuyên chảy ngược vào thực quản (ống dẫn đưa thức ăn từ miệng vào dạ dày).

Theo Healthline, khi nằm, lực hấp dẫn tác động vào cơ thể ít hơn nên thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hóa dễ dàng hơn. Điều này khiến axit lưu lại trong thực quản, gây ra các triệu chứng trào ngược dạ dày. Khoảng 80% người mắc GERD có triệu chứng vào ban đêm, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.

Điều chỉnh thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày. Một nghiên cứu năm 2023 cho rằng bạn nên chia ra thành nhiều bữa ăn nhỏ thay vì ăn 3 bữa lớn trong ngày. Điều này có thể giúp giảm áp lực lên dạ dày và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa.

Một nghiên cứu năm 2019 cho biết ăn quá no và quá nhanh là những thói quen có khả năng gây bệnh dạ dày. Các tác giả cũng lưu ý ăn nhiều và nhai ít có thể gây hại cho thực quản. Những hành vi ăn uống này làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó tăng lượng axit trào ngược lên thực quản.

Tránh các thực phẩm gây kích thích vào buổi tối

Một số loại thức ăn có thể làm tăng hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, bạn cần tránh những thực phẩm này, nhất là vào buổi tối để ngăn nguy cơ bệnh tái phát về đêm, từ đó giúp cải thiện giấc ngủ.

Viện Quốc gia về bệnh Tiểu đường, Bệnh thận và Tiêu hóa (NIDDKD) thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ chỉ ra những loại thực phẩm làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày bao gồm:

  • Thực phẩm có nhiều chất béo, cay và axit
  • Chocolate, bạc hà
  • Các thức uống chứa caffeine như cà phê, trà

Nhai kẹo cao su

Nhai kẹo cao su làm tăng quá trình sản xuất nước bọt, từ đó làm dịu thực quản và đẩy axit xuống dạ dày, theo WebMD. Đối với người bị trào ngược dạ dày, bạn nên chọn một hương vị khác thay vì bạc hà vì bạc hà có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh.

Không nằm ngay sau khi ăn

Nhiều chuyên gia cho rằng việc nằm sau bữa ăn 2-3 giờ có thể gây ra các triệu chứng đêm của bệnh trào ngược dạ dày. Viện Quốc gia về bệnh Tiểu đường, Bệnh thận và Tiêu hóa (Mỹ) cũng khuyến nghị người mắc bệnh trào ngược dạ dày nên chờ ít nhất 3 giờ sau bữa ăn mới có thể ngả lưng.

Ngoài ra, việc ăn vội hay căng thẳng khi ăn có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày. Sau khi ăn, bạn nên thư giãn một chút bằng cách hít thở sâu, thiền... thay vì vội đi nằm ngay.

Ngủ trên gối cao

Khi nằm thẳng, thanh quản và dạ dày về cơ bản sẽ ở cùng một mức. Điều này khiến axit dạ dày dễ trào ngược lên, gây ra chứng ợ nóng. Bạn có thể nâng cao cơ thể bằng cách nằm trên chiếc gối dày khoảng 15-25 cm.

Khi ngủ, bạn có thể nằm nghiêng về phía bên trái, điều này giúp trì hoãn việc tiêu hóa ở dạ dày và giảm lượng axit mà thực quản tiếp xúc. Một đánh giá năm 2016 cho thấy ngủ nghiêng bên trái giúp giảm nguy cơ trào axit về thực quản đến 71%.

Theo znews