leftcenterrightdel
 Trào lưu #mouthtaping đã thu hút 38,5 triệu lượt xem trên TikTok và được nhiều người học theo. Ảnh:CNBC Make It.

Trào lưu #mouthtaping đã thu hút 38,5 triệu lượt xem trên TikTok và được nhiều người học theo. Các video này chỉ cách xử lý tiếng ngáy bằng việc dán băng keo lên miệng trước khi đi ngủ, theo CNBC.

Một số người đã nhận định việc thở bằng miệng khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn giấc ngủ, ngưng hoặc giảm thở khi ngủ. Vì vậy, họ đã tuyên bố trong video rằng việc dán miệng khi ngủ sẽ tăng khả năng thở bằng mũi, giảm ngáy, giúp ngủ ngon hơn, thậm chí giảm nguy cơ sâu răng và mang lại hơi thở tốt hơn vào buổi sáng.

“Thành thật mà nói, dán miệng đã giúp tôi có một giấc ngủ ngon hơn, mang lại nhiều năng lượng vào buổi sáng”, một người dùng TikTok chia sẻ.

Giáo sư David Schulman - Trường Y, Đại học Emory - cho biết việc dán miệng khi ngủ để giảm ngáy có thể khả thi. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng cho thấy nó thực sự giúp giảm chứng ngưng thở khi ngủ hoặc cải thiện sức khỏe của bạn.

Thậm chí, việc dán băng keo lên miệng khi ngủ có thể không an toàn với nhiều người như gây khó thở nếu bạn bị nghẹt mũi, hơi thở tồi tệ hơn khi ngủ, dị ứng, kích ứng môi do băng keo và khô môi.

“Tôi không ủng hộ việc dán miệng khi ngủ. Nó có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm đến tính mạng”, giáo sư Schulman nói. 

Tương tự, chuyên gia giấc ngủ Raj Dasgupta - người phát ngôn của Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ - khẳng định phải cẩn trọng khi sử dụng băng keo dán miệng. Trước khi dùng chúng, bạn phải đảm bảo mũi không gặp các vấn đề như lệch vách ngăn.

Theo ông Dasgupta, thở bằng mũi khi ngủ rất tốt cho sức khỏe tổng thể bởi khả năng làm ẩm và lọc không khí tốt hơn thở bằng miệng. Điều này làm cho không khí bạn hít vào ít gây khó chịu cho phổi hơn. Khi thức dậy vào buổi sáng, bạn sẽ không bị khô miệng hoặc hơi thở có mùi.

Ngoài ra, hít thở bằng mũi khi nghỉ ngơi có thể làm tăng oxit nitric - một hợp chất giúp điều hòa huyết áp. Tuy nhiên, ông Dasgupta chỉ ra dán miệng khi ngủ không phải là cách duy nhất để bạn có thể thở bằng mũi khi ngủ.

Vị chuyên gia gợi ý một số điều bạn có thể làm để tránh thở bằng miệng và ngáy như: Nằm nghiêng khi ngủ, không uống rượu trước khi ngủ, tập thể dục thường xuyên, cân nhắc các loại thực phẩm và thời gian nạp vào cơ thể.

“Ngoài ra, bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem có bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hay không”, ông Dasgupta nhấn mạnh.

Nếu bạn đang gặp khó khăn để có được giấc ngủ như mong muốn, thay vì dán miệng, hai vị chuyên đưa ra 10 gợi ý:

  • Tránh ăn hoặc uống 2-3 giờ trước khi đi ngủ (nếu bạn đã uống đủ nước),
  • Thường xuyên đi bộ và có tiếp xúc ánh sáng mặt trời,
  • Tắm vòi sen hoặc bồn tắm nước ấm để thư giãn trước khi ngủ,
  • Tập thở bằng kỹ thuật 4-7-8: Hít vào trong 4 giây, giữ trong khoảng 7 giây và thở ra trong 8 giây,
  • Không uống rượu 3-4 giờ trước khi ngủ,
  • Không ăn tinh bột 2 giờ trước khi ngủ,
  • Đi vệ sinh trước khi ngủ,
  • Đặt nhiệt độ phòng khoảng 20-22 độ C,
  • Tắt màn hình hoặc chuyển điện thoại sang chế độ ban đêm ít nhất một giờ trước khi ngủ,
  • Sử dụng tiếng ồn trắng (âm thanh đặc biệt dễ chịu, có thể loại bỏ đi những tiếng ồn xung quanh - PV) thay vì các chương trình truyền hình làm bạn mất tập trung.

Giáo sư Schulman cho biết tất cả các khuyến nghị trên sẽ có những tác động khác nhau đối với từng người, vì vậy, nên cân nhắc để lựa chọn phương pháp phù hợp.

Theo zingnews