Vì sao cần cảnh giác các triệu chứng viêm giác mạc?

Giác mạc là một lớp mô trong suốt phía trước mắt, bao phủ mống mắt và đồng tử tròn, giống như một tinh thể đồng hồ bao phủ mặt đồng hồ. Giác mạc giống như một cửa sổ cho phép ánh sáng đi vào mắt nhưng đồng thời cũng như tấm chắn bảo vệ mắt. Tuy nhiên, nếu không được bảo vệ, giác mạc rất dễ bị xâm lấn và tổn thương dẫn đến viêm, loét.

Theo các bác sĩ nhãn khoa, nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây ra các vết loét giác mạc. Các lý do nhiễm trùng có thể kể đến như nhiễm khuẩn (tụ cầu, liên cầu, phế cầu,…), nhiễm vi-rút như vi-rút herpes simplex (gây mụn rộp ở môi) hoặc vi-rút varicella (gây bệnh thủy đậu và bệnh zona), nhiễm ký sinh trùng với Acanthamoeba, một loại amip có trong nước và bụi bẩn. Đặc biệt, ký sinh trùng này thường thấy ở những người đeo kính áp tròng.

photo-1670382262031

Ngoài ra, viêm giác mạc cũng có thể do biến chứng của các bệnh về mắt khác như mắt hột, khô mắt, viêm kết mạc, lông mi quặm. Tổn thương giác mạc vì bị các vật thể bắn vào mắt. Sử dụng kính áp tròng không được vệ sinh sạch sẽ. Tự ý sử dụng thuốc tra mắt chứa corticoid khi không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ…

Khi bị viêm giác mạc, mắt có thể xuất hiện các triệu chứng như khó chịu, mỏi mắt, có cảm giác có dị vật trong mắt. Sau đó, mắt cảm thấy đau nhức âm ỉ, cảm giác mắt nóng rát, chói mắt, sợ ánh sáng. Kèm theo đó, chảy nhiều nước mắt, mắt đỏ, cảm giác nhìn mờ.

Trong đó, hầu hết các trường hợp nếu xuất hiện dị vật ở giác mạc, mắt có thể bị đỏ, đau và trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Thị lực có thể bị nhòe, khó quan sát tạm thời. Nếu dị vật gây trầy xước ở giác mạc, có thể người bệnh sẽ cảm thấy: Nóng ấm, kích ứng, đau, đỏ hoặc chảy nước mắt; Suy giảm thị lực, các cơ xung quanh mắt có thể bị co rút.

Theo các bác sĩ, cần cảnh giác từ những triệu chứng đầu tiên để phòng tránh các biến chứng và diễn tiến nặng của bệnh. Bởi, nếu không điều trị sớm, bệnh có thể để lại các di chứng vĩnh viễn cho mắt như sẹo giác mạc, lồi mắt cua, thủng nhãn cầu, thậm chí là đánh mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.

Phòng ngừa, điều trị viêm giác mạc đúng cách

Theo đó, cách tốt nhất để phòng ngừa viêm giác mạc chính là hạn chế các nguyên nhân gây ra thông qua việc vệ sinh. Cụ thể, tránh ngủ khi vẫn đeo kính áp tròng; Làm sạch và khử trùng kính áp tròng trước và sau khi đeo; Rửa mắt để loại bỏ các dị vật; Rửa tay trước khi chạm vào mắt, Sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ cũng như theo dõi các bệnh lý liên quan đến mắt một cách chặt chẽ…

photo-1670382267368

Để điều trị viêm loét giác mạc, các bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá tình trạng viêm và tổn thương của mắt thông qua các thiết bị chuyên sâu. Như, dùng bút/ đèn để khám mắt, đánh giá kích thước, phản ứng con người, tình trạng viêm nhiễm và các vấn đề khác. Ngoài ra, cần kiểm tra có sự xuất hiện của vết loét giác mạc, xuất hiện vết xám và đục ở giác mạc hay không. Và tùy vào mức độ viêm loét giác mạc, các bác sĩ có các phác đồ điều trị phù hợp.

Hiện có hai phương pháp điều trị viêm giác mạc là bằng thuốc và phẫu thuật. Nếu viêm giác mạc do nhiễm trùng, tùy vào mức độ bệnh bác sĩ có thể dùng thuốc kháng sinh thích hợp. Trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ, chỉ cần dùng thuốc nhỏ mắt điều trị. Viêm giác mạc do nấm cần sử dụng thuốc kháng nấm và thuốc nhỏ mắt kết hợp.

Phương pháp phẫu thuật được diễn ra khi điều trị bằng thuốc không cho tiến triển khả quan. Lúc này, bệnh nhân cần được chỉ định mổ ghép giác mạc.

Với các triệu chứng, biến chứng cũng như cách điều trị trên, các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội nhấn mạnh, khi mắt xuất hiện các dấu hiệu của viêm giác mạc kể trên cần nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa mắt để chẩn đoán bệnh kịp thời. Tránh chủ quan, tự điều trị ở nhà dẫn đến tình trạng phải điều trị bằng các phương pháp như phẫu thuật ghép giác mạc.

Theo suckhoedoisong.vn