1. Đông y có chữa được ung thư buồng trứng không?
Ung thư buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong… vì vậy đông y không chữa được. Tuy nhiên, đông y có nhiều phương thuốc hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị giúp phục hồi sức khỏe tốt.
2. Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng thường được điều trị mô đa thức, điều trị bằng phẫu thuật, hóa học trị liệu hoặc trị liệu bức xạ.
Tuy nhiên, sau khi có kết quả chẩn đoán ung thư buồng trứng, tùy vào giai đoạn của ung thư cũng như sức khỏe bệnh nhân, mức độ đáp ứng với các phương pháp điều trị và mong muốn của bệnh nhân… mà bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
- Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn số một để điều trị cho bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ tối đa các tế bào ung thư, lượng tế bào ung thư còn sót lại có thể được điều trị bằng hóa trị hay xạ trị. Thông thường, bệnh nhân sẽ phải cắt buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung, cắt mạc nối, và các hạch.
Tùy vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định mổ hở hoặc mổ nội soi. Phương pháp mổ nội soi có nhiều ưu điểm như xâm lấn tối thiểu, mang tính thẩm mỹ cao, rút ngắn thời gian nằm viện và bệnh nhân mau chóng hồi phục. Phẫu thuật có thể gây ra các cơn đau ngắn và khiến bệnh nhân đi tiêu, đi tiểu khó khăn.
Phẫu thuật gây ra cơn đau ngắn và tăng nhạy cảm ở vùng phẫu thuật. Vài ngày sau đó, bệnh nhân đi tiểu rất khó khăn, nhu động chưa bình thường trở lại.
- Hóa trị liệu là dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Sau phẫu thuật, có thể các tế bào ung thư buồng trứng vẫn còn sót lại hoặc lây lan mà các bác sĩ chưa thể cắt bỏ hết được, hóa trị liệu sẽ giúp tiêu diệt phần còn sót lại đó.
Hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư được tiêm vào tĩnh mạch. Một số khác tồn tại dưới dạng viên nén để uống. Hóa trị liệu có thể thực hiện bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào ổ bụng qua một ống thông.
Có thể tiến hành phẫu thuật xét nghiệm lần hai để quan sát ổ bụng trực tiếp khi phương pháp hóa trị liệu kết thúc. Có thể kiểm tra tác dụng của thuốc lên cơ thể bệnh nhân có xảy ra hay không bằng cách kiểm tra dịch và mẫu mô của bệnh nhân đó.
Hóa trị tác động đến cả tế bào gây bệnh lẫn các tế bào bình thường. Các tác dụng phụ có thể xảy ra tùy vào loại thuốc và liều lượng thuốc được sử dụng.
Khi điều trị bằng phương pháp hóa trị có thể gây nên cảm giác buồn nôn và nôn, chán ăn, ỉa chảy, mệt mỏi, tê và cảm giác kim châm ở bàn tay bàn chân, đau đầu, rụng tóc, sạm da và móng.
Một số thuốc dùng trong ung thư buồng trứng có thể làm bệnh nhân không nghe rõ và gây tổn thương đến thận. Để bảo vệ thận trong khi dùng thuốc, bệnh nhân cần truyền nhiều dịch.
- Xạ trị là dùng tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia phóng xạ có thể xuất phát từ một máy bên ngoài cơ thể hoặc dung dịch phóng xạ được đưa vào ổ bụng bệnh nhân.
- Tia xạ có thể ảnh hưởng đến cả tế bào ung thư và tế bào bình thường. Phương pháp này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như: chán ăn, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy,... Tác dụng phụ thường phụ thuộc vào liều lượng và vùng cơ thể bị chiếu xạ.
- Điều trị miễn dịch là một phương pháp có nhiều tiến bộ, hứa hẹn là một hướng điều trị mới và đem lại nhiều kết quả khả quan.
3. Ung thư buồng trứng có chữa khỏi được không?
Ung thư buồng trứng có chữa được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời điểm phát hiện bệnh, phương pháp điều trị, tình hình đáp ứng điều trị của mỗi người.
Ung thư buồng trứng nếu được phát hiện sớm từ giai đoạn 1 và có phương hướng điều trị phù hợp, người bệnh sẽ có cơ hội sống trên 5 năm khoảng 95%.
Nếu phát hiện bệnh muộn khi các tế bào ung thư đã lan sang các bộ phận khác cơ hội sống sẽ giảm dần. Cụ thể, giai đoạn 2 tỷ lệ sống trên 5 năm còn khoảng 70%, giai đoạn 3 khoảng 39%. Trong trường hợp đến giai đoạn cuối mới phát hiện ra thì cơ hội sống rất thấp, dưới 5%.
4. Cách chăm sóc bệnh tại nhà
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần có kế hoạch dinh dưỡng khoa học để cải thiện tình trạng bệnh lý, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Cần tăng cường trái cây và rau củ quả để cung cấp các chất beta – carotene và vitamin C có vai trò chống oxy hóa, hỗ trợ cơ thể nhanh lành, chống các bệnh nhiễm trùng và ung thư.
Người bệnh nên ăn các thực phẩm giàu tinh bột, trong đó có cơm, ngũ cốc, bánh mì, khoai tây… sẽ cung cấp glucose là nguồn năng lượng cần thiết mà cơ thể cần.
Cần tăng cường các loại thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá, các sản phẩm từ sữa… sẽ thúc đẩy hoạt động miễn dịch mạnh mẽ.
Các chất béo có lợi trong các loại thực phẩm như bơ, dầu cá, dầu thực vật, các loại hạt… sẽ giúp cơ thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng, kiểm soát tình trạng mệt mỏi ở bệnh nhân, thúc đẩy não hoạt động tích cực…
Cần thể dục thể thao thường xuyên, với 30 phút tập thể dục mỗi ngày tốt cho người bệnh ung thư buồng trứng và có thể giảm gần 20% nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
5. Chi phí khám chữa bệnh
Tùy theo từng giai đoạn, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị ung thư buồng trứng phù hợp, đảm bảo đem lại hiệu quả cao nhất và hạn chế rủi ro.
Chi phí điều trị ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm sẽ ít tốn kém, còn ở giai đoạn tiến triển khi khối u đã xâm lấn xung quanh hoặc di căn sẽ tốn kém hơn. Tùy từng giai đoạn và từng người mức điều trị khác nhau.
Ví dụ cắt toàn bộ tử cung, hai phần phụ và mạc nối lớn điều trị ung thư buồng trứng có chi phí dao động từ 6.500.000 - 16.000.000 VNĐ; Cắt u buồng trứng và tử cung qua nội soi có chi phí dao động từ 6.072.000 - 15.900.000VNĐ… tùy thuộc vào gói bảo hiểm y tế hay dịch vụ chi trả và chưa bao gồm các dịch vụ khác như: xét nghiệm, chụp chiếu, thuốc, thời gian nằm viện.
Theo suckhoedoisong.vn