leftcenterrightdel
 Một bệnh nhi mắc đậu mùa khỉ được điều trị tại bệnh viện ở Nyiragongo, CHDC Congo. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 17/8, Cơ quan y tế Liên minh châu Phi (AU) cho biết tổng cộng châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 18.737 ca nghi mắc hoặc đã được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) kể từ đầu năm, trong đó có 1.200 ca được báo cáo chỉ trong một tuần.

Đây là số ca nghi mắc hoặc mắc 3 biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có biến thể 1b mới nguy hiểm hơn và dễ lây truyền hơn.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ do biến thể này gây ra đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/8 vừa qua phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của cơ quan này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, đến nay, châu lục này có 3.101 ca được xác nhận mắc bệnh và 15.636 ca nghi mắc tại 12 quốc gia thành viên AU, với 541 ca tử vong (tỷ lệ tử vong là 2,89%).

Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi biến thể 1b được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2023. Tất cả 26 tỉnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo đều đã phát hiện các ca mắc bệnh. Nước này đã phát hiện 1.005 ca, trong đó 222 ca được xác nhận và 783 ca mắc, với 24 ca tử vong trong một tuần.

Nước láng giềng Burundi đã phát hiện 173 ca, trong đó 39 ca được xác nhận và 134 ca nghi mắc - đánh dấu mức tăng 75% trong một tuần.

Theo CDC châu Phi, số ca mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ được báo cáo ở châu lục này từ đầu năm đến nay còn cao hơn tổng số ca của cả năm 2023 (14.383 ca). Trong tuần này, các ca mắc mpox đầu tiên bên ngoài châu Phi cũng đã được phát hiện ở Thụy Điển và Pakistan.

WHO sẽ sớm công bố các khuyến nghị đầu tiên của ủy ban khẩn cấp và mới đây đã cùng với các tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi tăng cường sản xuất vaccine.

Mpox là một bệnh do virus gây ra, có thể lây từ động vật sang người, nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc thân thể gần gũi.

Các triệu chứng bao gồm sốt, đau nhức cơ bắp và tổn thương vùng da rộng như mụn nhọt. Biến thể 1b gây phát ban da khắp cơ thể, trong khi các biến thể trước đó gây tổn thương cục bộ quanh miệng, mặt hoặc bộ phận sinh dục.

Căn bệnh này trước đây gọi là bệnh đậu mùa, được phát hiện lần đầu tiên ở người ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Các biến thể dòng 1 nguy hiểm hơn đã lưu hành ở châu thổ Congo ở Trung Phi trong nhiều thập niên./.

Theo vietnamplus