1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người mắc hội chứng Down
Theo Quỹ Hội chứng Down toàn cầu, hội chứng Down là rối loạn nhiễm sắc thể thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây chậm phát triển trí tuệ và thể chất trên toàn thế giới. Chăm sóc y tế phù hợp cho người mắc bệnh Down là rất quan trọng. Nó có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của người đó.
Các chuyên gia y tế cũng khẳng định, không có cách chữa khỏi hội chứng Down nhưng sự can thiệp, giáo dục và chăm sóc y tế sớm có thể giúp trẻ mắc hội chứng Down có một cuộc sống trọn vẹn. Nhờ những tiến bộ trong điều trị, tuổi thọ trung bình của người mắc hội chứng Down đã tăng lên khoảng 60 năm.
Người mắc hội chứng Down thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe, dễ bị béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu máu hoặc tiêu hóa kém… Do đó, bên cạnh sự chăm sóc y tế thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Chế độ ăn uống cân đối cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất khác cần thiết để duy trì sức khỏe tổng thể cho người bệnh, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Nhiều trẻ mắc hội chứng Down thường có cân nặng, chiều cao thấp hơn so với trẻ bình thường. Một chế độ ăn cân đối sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng, phát triển tối ưu.
Các hoạt động hàng ngày, các bài tập vật lý trị liệu và các hoạt động xã hội đều cần nhiều năng lượng. Do đó người bệnh cần được cung cấp đầy đủ năng lượng thông qua dinh dưỡng.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bị bệnh Down
Người mắc bệnh Down cần có chế độ ăn uống cân đối, đầy đủ chất để đảm bảo sức khỏe và tăng cường sức đề kháng. Một số dưỡng rất cần thiết cho cơ thể người mắc bệnh Down bao gồm:
Carbohydrate
Carbohydrate là chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với người bệnh Down vì nó cung cấp năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể, đặc biệt là não.
Carbohydrate bao gồm: đường, tinh bột và chất xơ có trong ngũ cốc, rau quả, các sản phẩm từ sữa. Nguồn thực phẩm giàu carbohydrate phổ biến nhất là: Gạo, mì, bánh mì, khoai lang, các loại củ quả…
Protein
Protein là một chất dinh dưỡng đa lượng, cần thiết cho gần như tất cả các chức năng của cơ thể. Nó cần cho sự phát triển, sửa chữa của tất cả các mô, cùng với nhiều chức năng khác như hình thành hormone và enzyme. Sự thiếu hụt protein dẫn đến teo cơ, suy giảm chức năng của cơ thể.
Nguồn thực phẩm giàu protein bao gồm: Thịt nạc, cá, trứng, sữa, các loại đậu, các loại hạt…
Chất béo
Chất béo là nguồn năng lượng giúp cơ thể hoạt động, duy trì nhiệt độ, đồng thời hỗ trợ hấp thụ các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Những vitamin này rất quan trọng cho thị lực, sức khỏe xương, hệ miễn dịch và nhiều chức năng khác.
Chất béo là thành phần chính của màng tế bào, giúp bảo vệ và duy trì chức năng của tế bào. Đặc biệt, acid béo omega-3 rất cần thiết cho sự phát triển não bộ.
Nguồn chất béo lành mạnh chủ yếu có trong: dầu ô liu, dầu cá, các loại hạt, bơ...
Vitamin và khoáng chất
Vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, D, sắt, canxi, kẽm… rất quan trọng cho chức năng của hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình trao đổi chất, phát triển xương.
Vitamin, khoáng chất có nhiều trong các loại trái cây, rau củ, thịt đỏ, các loại đậu, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa…
Chất xơ
Chất xơ rất cần thiết cho cơ thể người mắc hội chứng Down vì nó hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và kiểm soát cân nặng.
Nguồn thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: Rau xanh, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt…
3. Lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người mắc hội chứng Down
Đa dạng thực phẩm: Nên cho người bệnh ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tăng cường rau xanh, trái cây tươi cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp cải thiện tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng.
Chia nhỏ bữa ăn: Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh quá no hoặc quá đói.
Uống đủ nước: Giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể, hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ngọt, nước ngọt có gas: Những thực phẩm này chứa nhiều đường, chất béo xấu và ít chất dinh dưỡng, có thể gây béo phì, các vấn đề sức khỏe khác như đái tháo đường và bệnh tim.
Kiểm soát khẩu phần ăn: Trẻ mắc hội chứng Down có thể có các triệu chứng như tỷ lệ trao đổi chất chậm hơn và trương lực cơ thấp hơn, điều này có thể làm tăng nguy cơ tăng cân, vì vậy nên kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để tránh ăn quá nhiều.
Chăm sóc hỗ trợ khi ăn uống: Tự ăn hoặc độc lập trong ăn uống là một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với trẻ mắc hội chứng Down. Cha mẹ hoặc người chăm sóc cần động viên khuyến khích và cho phép trẻ tự ăn bất cứ khi nào có thể.
Nếu trẻ gặp một số khó khăn khi ăn uống liên quan đến kỹ năng vận động miệng nên cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia giúp trẻ nâng cao khả năng nhai, nuốt và các khả năng ăn uống khác.
Theo suckhoedoisong.vn