Nhà tôi thuộc diện rộng rãi, không con cái nên họ hàng dưới quê thường gửi con cháu lên ở nhờ để theo học đại học trên thành phố. Ý của cha mẹ chúng là vừa có chỗ an toàn cho con, vừa tiết kiệm chi phí ăn ở, lại thắt chặt tình cảm quê nhà.

Thế nhưng, tụi nhỏ đang tuổi 17-19, ngoài giờ đi học còn đi làm thêm/học thêm buổi tối và ngày nghỉ nên sinh hoạt, ăn - ngủ - nghỉ không có giờ giấc. Tôi lớn tuổi, không vừa mắt, hay la rầy thành ra 2 bên căng thẳng, mất lòng.

Tôi không hiểu tâm lý tụi nhỏ, không nhắc thì mình bực mà la thì chúng bực, không biết phải làm sao. Mong bác sĩ vẽ đường cho con hươu già này biết lối mà chạy với tụi trẻ.

Một bác ẩn danh ở quận Gò Vấp (TPHCM)
leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khoảng cách thế hệ khiến ngay cả cha mẹ con cái ngay trong cùng một nhà cũng có khi khó trao đổi tâm sự chứ chưa nói đến những người họ hàng xa định góp ý phê bình cháu con. Nhất là trong thời đại internet này, ở đâu cũng có thể kết nối mạng, ai cũng có thể sắm cho mình chiếc điện thoại thông minh, việc giao tiếp thân mật không nhất thiết phải vồn vã “tay bắt mặt mừng”, việc không kết giao không nhất thiết phải “cạch mặt” hoặc “cấm cửa”.

Chuyện kể rằng có người đàn ông lơ đễnh để điện thoại đổ chuông inh ỏi lúc cha xứ đang giảng trong nhà thờ. Ánh mắt vị linh mục không vui vì bài giảng bị cắt ngang giữa chừng. Những người tham dự thánh lễ xì xào. Anh bị vợ cằn nhằn suốt đường về vì bẽ mặt khi có ông chồng vô tâm. 2 con anh bị đám bạn cười nhạo. Cảm thấy chán nản, xấu hổ, từ hôm đó, anh quyết định bỏ đi lễ nhà thờ.

Sau khi chở vợ con về nhà, anh mò tới quán rượu giải sầu. Mải suy nghĩ về những gì đã xảy ra lúc sáng ở nhà thờ, anh lóng ngóng làm đổ ly bia, rồi gạt tay trúng chai bia khiến nó rơi xuống, vỡ tan, bia bắn lên những người xung quanh. Mọi người chạy vội về phía anh. Anh nhắm mắt lại, chờ những lời xỉ vả, thậm chí cả những cú đánh.

Nhưng trái lại, những người đó lại hỏi anh có bị những mảnh vỡ cắt trúng không. Người phục vụ xin lỗi, đưa vội mấy miếng khăn giấy để anh lau bia trên người. Người bảo vệ lau khô sàn nhà. Người quản lý mời anh một ly bia khác, vỗ vai anh khẽ bảo: “Đừng lo lắng, ông anh. Ai mà chẳng mắc lỗi một đôi lần”.

Từ hôm đó, tối nào anh cũng đến… quán rượu.

Điều đó chứng tỏ cách cư xử của chúng ta đối với người xung quanh có thể làm nên những sự thay đổi mang tính quyết định, đặc biệt là đối với những người mắc lỗi.

Bác không có “hậu duệ”, vậy thì để những đứa cháu này “nối dõi” mình, không có công sinh thì có công dưỡng dục. Hãy có buổi họp mặt gia đình, đưa ra vài tuyên bố chung:

- Điều chỉnh giờ giấc cân bằng giữa 2 thế hệ: đám trẻ đừng về khuya quá, chủ nhà đừng đi nghỉ sớm quá (nếu có thể), tránh ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của nhau. Nên có bảng nội quy, ghi nhớ dán nơi dễ thấy. Có sự kiểm tra, nhắc nhở chứ không mang tính hình thức.

- Nếu cần, làm chìa khóa riêng, thậm chí mở lối đi riêng cho các cháu kèm điện thắp sáng mà vẫn đảm bảo an ninh cho phần còn lại của ngôi nhà.

Phân công trực nhật, nấu ăn, dọn dẹp. Đó mới chỉ là sự tự phục vụ của các cháu. Các cháu còn phải tham gia lao động chung cho gia đình (định kỳ dọn rác, lau chùi nhà, cầu thang, cống thoát nước, giặt màn cửa…).

- Bác cũng thay mặt gia đình có mặt trong những sự kiện quan trọng của các cháu.

- Liên hệ với gia đình từng cháu, minh bạch về tiền bạc (học phí, tiền ăn…). Đưa ra những nguyên tắc rõ ràng về chuyện tình cảm, sử dụng chất cấm... Nếu vi phạm sẽ không cho phép lưu trú bởi sẽ ảnh hưởng đến các anh chị em khác.

Trong các cuộc trò chuyện, áp dụng tỉ lệ 80/20: 80% là khen ngợi, khích lệ, mỉm cười, động viên; 20%, thậm chí ít hơn, là phê bình, uốn nắn, sửa dạy những kỹ năng gia đình, lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế, quy tắc an toàn khi sử dụng điện và vật dễ cháy nổ, phòng tránh xâm hại tình dục…

Mong rằng “đàn hươu” sẽ coi nhà bác như một thung lũng xanh tươi hiền hòa để tụ họp và phát triển.

Theo phụ nữ TPHCM