Sau thời gian tìm hiểu 1 bạn gái trên mạng - xinh xắn, học hành đến nơi đến chốn, có năng khiếu, cháu cảm thấy rất hợp và quyết định hẹn hò gặp mặt. Ở bên ngoài, bạn ấy còn hấp dẫn, hoàn hảo hơn trên mạng.

Tuy nhiên, bạn ấy lúc nào cũng đề cao chính mình, nghĩ mình có khí chất, phong cách, địa vị hơn người, chỉ để ý đến nhu cầu của bản thân dù có phải hy sinh lợi ích của người khác.

Cháu suy nghĩ mãi, vừa tiếc mấy năm yêu xa, vừa hoang mang: bạn ấy thiếu hụt những phẩm chất cơ bản cho tình yêu và hôn nhân dù thâm tâm, cháu biết bạn ấy là cô gái xinh đẹp và có nhiều ưu điểm.

Người ta nói rằng xấu mặt có thể sửa được chứ xấu nết thì khó mà sửa. Cháu không biết bạn ấy có thể thay đổi được không.

Đỗ Trung C. (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thực ra, hầu hết mọi người ít nhiều đều có nét tính cách hơi trẻ con là yêu bản thân, hay tự ái, thích khoe khoang thành tích. Đây là dấu hiệu lành mạnh để 1 người thể hiện sự tự tin, biết mình biết ta.

Chỉ khi nào những lời ca ngợi bản thân trở nên thường xuyên/phóng đại thái quá, thấy mình vượt trội hơn những người khác và xứng đáng được đối xử đặc biệt mới đáng ngại. Nó có thể biến người ta thành tự cao tự đại, kênh kiệu, coi mình là “cái rốn của vũ trụ”, “ra vẻ ta đây”… thậm chí trở thành chứng rối loạn nhân cách tự luyến, gọi là “hội chứng Narcissus” (ái kỷ/vĩ cuồng) - cái tên được đặt theo tên chàng trai trong thần thoại Hy Lạp có dung mạo tuấn tú nhưng lại không thể yêu ai ngoài bản thân.

Một lần đi lạc, chàng đã tôn thờ hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt hồ đến nỗi thà chịu chết khát chứ không dám đưa tay lấy nước dưới hồ lên uống vì sợ làm tan vỡ hình bóng quá đẹp của mình.

Tính ngạo mạn, nhu cầu được nhiều người tán dương/công nhận/ngưỡng mộ quá mức; hay gặp rắc rối trong các mối quan hệ và thiếu sự đồng cảm với người khác; ước muốn được nhấn mạnh tầm quan trọng của bản thân và sự thiếu lòng trắc ẩn; nuôi dưỡng hình ảnh hào nhoáng tưởng tượng về bản thân để thể hiện sự vượt trội với đám đông là những đặc điểm rõ nét của người tự luyến.

Thế nhưng, ẩn sau vẻ ngoài tưởng như mạnh mẽ, bất cần, quá yêu bản thân lại là nỗi sợ: sợ bị chỉ trích, bị xem thường, bị “thất sủng”… thành ra quá nhạy cảm trước những lời khen chê và dễ tự ái. Vì luôn muốn được người khác thán phục, họ phải che giấu con người yếu ớt ấy bằng cách dựng lên một hình ảnh khác xa với bản thân, gọi là “cái tôi giả” (false-self).

Giáo sư, tiến sĩ Stuart C. Yudofsky nhận xét: “Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cho rằng mình hoàn hảo 100% dù họ khiếm khuyết nghiêm trọng về mặt tính cách”.

Yêu người tự luyến là buộc mình vào người có thói quen đánh giá bản thân quá cao, nhất là về ngoại hình; thường xuyên bất an, ghen tuông vô cớ, tự phụ đến mức luôn coi mình là nhất.

Cháu lượng sức mình để quyết định khéo léo “quay xe” khi tình cảm chưa đi quá xa hoặc nếu vẫn muốn nối kết lâu dài với bạn ấy thì cần lưu ý:

- Cháu cần giữ được quan điểm và giá trị cốt lõi mình đã đặt ra, sống đúng theo bản chất và điều kiện của mình, đừng “tâng bốc” những nết xấu của bạn ấy.

- Tránh để bạn ấy sa vào tình trạng lạm dụng mạng xã hội (để tự quảng cáo, tôn vinh bản thân, tỏ ra quan trọng, thể hiện sự nổi tiếng và thu hút sự chú ý bằng số lượng ảnh “tự sướng” được chụp, đăng lên mỗi giờ…), qua đó tự huyễn hoặc bản thân và bị cuốn vào sự phô trương phù phiếm trong thế giới ảo.

- Đừng lãng phí thời gian vào những cuộc tranh luận với bạn ấy vì cháu sẽ không được lắng nghe và luôn bị đổ lỗi.

- Giúp bạn ấy duy trì những mối quan hệ lành mạnh và biết hài lòng với cuộc sống; điều chỉnh cảm xúc để có thể chịu đựng những lời chỉ trích hoặc thất bại.

Theo phụ nữ TPHCM