Thưa bác sĩ, trước giờ con thấy cộng đồng bức xúc về chuyện giáo viên, nhân viên nhà trường lạm dụng tình dục học sinh nhưng con chứng kiến học sinh quấy rối “bề trên” có lẽ còn cao hơn nhiều. Mới đây, bạn thân của con tâm sự rằng bạn ấy bị trúng “tiếng sét” của thầy giáo dạy tin học trong trường. Hỏi kỹ thì bạn ấy mới chỉ yêu đơn phương, còn thầy vẫn đối xử với bạn bình thường như các bạn trong lớp. Bạn ấy tuyên bố sẽ làm tất cả bằng mọi giá để chiếm được tình cảm của thầy.
“Làm tất cả bằng mọi giá” là sao ạ? Con hỏi để biết trước mà kịp thời ngăn cản bạn ấy…
Một nữ sinh lớp Mười một giấu tên
(TP Tân An, tỉnh Long An)
“Bị” học trò đem lòng yêu đơn phương là một trong những “tai nạn” của nghề giáo. Một số thầy cô gỡ rối nhẹ nhàng, chỉ để lại chút rung động đầu đời trong ký ức thời áo trắng của kẻ yêu thầm; một số làm ngơ cho cơn sóng tình qua đi; số khác thì nghiêm khắc chấn chỉnh hoặc “cảnh cáo nhẹ” để học trò tập trung vào học tập; cũng có người nuôi dưỡng tình cảm ấy đến khi học trò ra trường và thành đôi…
Nhưng cũng có nhiều học trò không dễ buông tay mà sẵn sàng theo đuổi tới cùng mục tiêu.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Những học trò lụy tình có các biểu hiện và nhiều chiêu trò để thực hiện mục đích:
- Yêu thầm nhưng ghen thật: Khó chịu, dằn mặt bạn nào được “thầy của mình” quý, cứ như mình đã sở hữu “người ấy”; nhiều khi trở thành cuộc chiến trong lớp, trong trường hoặc trên mạng.
- Ăn mặc hở hang để gây chú ý với thầy, ngày càng tăng “đô” đến mức trở nên phản cảm. Họ ngỡ đó là cách tỏ ra mình đã trưởng thành, xứng với thầy, không còn là học trò như bao bạn bè khác.
- Đeo bám, kiếm cớ gặp mặt thầy ở trường; đôi khi lên kế hoạch giả vờ “tình cờ” gặp mặt thầy ngang đường, thậm chí đến tận nhà thầy “ngồi đồng” mượn sách, hỏi bài…
- Tạo tin nhắn giả giữa mình và thầy để khoe khoang với bạn bè đồng thời “khẳng định chủ quyền”.
- Gọi điện, nhắn tin, thậm chí ghép ảnh 2 người với nhau.
- Không được chấp nhận hoặc bị giáo viên cảnh cáo thì quay ra trả thù. Đã có trường hợp nữ sinh phổ thông gây xôn xao dư luận khi tung bằng chứng thầy giáo “ve vãn” mình, đến khi cảnh sát điều tra vào cuộc mới vỡ lẽ thầy giáo bị bôi nhọ danh dự. Có trường hợp dựng chuyện thầy đã xyz với mình nhưng xét nghiệm ADN là của bạn trai.
Có trường hợp chuyển sang quấy rối trực tuyến bằng cách ẩn danh, sử dụng nhiều tài khoản ảo để “tấn công mục tiêu”…
Một sự thật đau lòng, trước nay pháp luật và dư luận xã hội đã lên án và có hình thức trừng phạt thầy cô lạm dụng tình dục học sinh nhưng ngược lại, thường bỏ qua những trường hợp các học sinh “yêu quá hóa liều” với người dạy dỗ mình (với lý do “tuổi vị thành niên còn bồng bột, chưa phân biệt rõ đúng - sai”, “để cho em ấy có cơ hội sửa sai và tự trưởng thành”, “dù gì cũng là tình yêu tuổi mới lớn, nên giơ cao đánh khẽ”…).
Cháu nên gần gũi bạn, kéo bạn vào những hoạt động học tập, vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, khuyên bạn bằng câu: “Điện thoại gọi không được thì đừng gọi. Tin nhắn không nên gửi thì đừng gửi. Người không nên để ý thì đừng để ý. Phải sáng suốt hơn, thế giới lớn như vậy cơ mà”.
Nếu cần, cháu có thể tìm cách khéo léo thông báo nhẹ nhàng với cha mẹ bạn ấy để phụ huynh biết mà quản lý giờ giấc, “hành tung” của con mình. Khi “có biến”, cháu phải sẵn sàng làm chứng về sự vô tư, đứng đắn, chuẩn mực của thầy, đừng vì nể bạn mà im lặng.
Theo phụ nữ TPHCM