Con có 1 người em song sinh. Con ra đời trước nên được làm anh. Cha mẹ con luôn lấy con làm gương cho em khiến tình anh em bị sứt mẻ ít nhiều.
Em con là đứa có mới nới cũ và hiếu thắng, cái gì cũng muốn nhưng nhanh chán. Công bằng mà nói, em có nhiều tài lẻ và có máu nghệ sĩ. Em đang xin ba mẹ con cho đi học thêm (vì mấy đứa bạn trong nhóm đều đi học thêm), đòi mua đàn để học nhạc (em thích tự đệm đàn và hát), đăng ký thi vẽ…
Gia đình con không khá giả nhưng luôn cố gắng đáp ứng nguyện vọng của con cái, nhất là phục vụ cho việc học. Con phải làm gì để kìm bớt em con và đỡ gánh nặng cho ba mẹ?
Một nam sinh lớp Mười (TP Thủ Đức, TPHCM)
Để giải quyết những tình huống như em của cháu, một người cha đã thực hiện trong… vài nốt nhạc chỉ bằng cách đặt câu hỏi trước những lời đề nghị, mong mỏi, thậm chí cầu xin của đứa con mới vào lớp Một.
Ông kể: Một ngày nọ, con về và xin đi học thêm, tôi hỏi tại sao thì con nói: “Các bạn rủ con và nói đi học thêm vui lắm”.
- Vậy khi ngồi học, gần đến giờ ra chơi hoặc nghe tiếng trống báo tan học, con có vui không, có chờ đợi không?
- Dạ có!
- Giờ con định biến sự chờ đợi háo hức đó thành việc đi học thêm? Nếu đi học thêm, con được chơi với mấy bạn thân trong giờ giải lao nhưng học xong chỉ có một chút thời gian để tắm rồi ăn cơm ngay cho kịp giờ học.
Còn nếu không đi học thêm, con về nhà có thể nghỉ ngơi, đọc truyện, vẽ hoặc làm điều gì con thích. Còn nữa, học thêm là sẽ học lại những bài hôm nay con học và học trước những bài ngày mai, vậy hôm sau đến lớp, con còn hào hứng trước bài mới không?
Giờ là sự lựa chọn của con, nếu con muốn đi học thêm thì ba đăng ký. Nói trước, khi đã đăng ký, con phải học ít nhất 1 tháng.
Bé suy nghĩ một lát rồi nói: “Dạ, con không đi học thêm nữa đâu”.
Người cha ấy không quyết định, không chiều con mà đặt câu hỏi để phân tích cho con tự lựa chọn.
Lần khác, bé hỏi: “Ba thích con học đàn gì?”.
- Cái đó con phải tự tìm hiểu chứ. Con muốn học để chơi hay để thi và biểu diễn?
- Con muốn học để đàn hát mấy bài con thích ạ.
- Chọn học piano để vừa đệm đàn vừa hát, con chỉ có thể hát ở nơi nào có đàn vì không thể mang theo đàn bên người, ngay cả nếu ba mua đàn cho con thì cũng chỉ đặt trong nhà mình thôi. Nếu học guitar, mandolin… thì đi đâu con cũng mang theo được: cắm trại, du lịch, về thăm ông bà, ra công viên…
- Vậy con học guitar ạ.
Bằng cách đó, người cha đã đáp ứng sở thích và không phí phạm thời gian của con theo cái con muốn.
Khi trường tổ chức cuộc thi “Nét vẽ xanh”, cô bé ấy đăng ký tham dự. Lúc đón con, người cha hỏi: “Con nghĩ mình có được giải không?”. Bé cười: “Chắc con được giải nhì”.
- Tự tin vậy cơ à? Theo con, khi lên lớp Bốn, lớp Năm, con có vẽ tốt hơn bây giờ không?
- Chắc chắn là hơn chứ ba.
- Vậy con nghĩ bây giờ con sẽ hơn được mấy anh chị lớp Bốn, lớp Năm sao?
Bé im lặng suy nghĩ… Người cha nói: “Nếu con được giải khuyến khích thì đó là thành công rồi”.
Người cha đã đưa con về đúng thực tế, biết mình ở đâu, không mơ mộng ảo tưởng.
Một lần khác, con được chọn đi thi toán cấp quận. Biết tính con hiếu thắng, người cha để con tự giác học, chỉ nhắc nhở con ôn luyện, không ép, không thúc giục. Dù biết với cách ôn như vậy, con sẽ khó vào được kỳ thi cấp thành phố nhưng người cha vẫn “bấm bụng” để con trượt lần này, như vậy bé sẽ đằm tính lại và năm sau muốn đi xa hơn, cần nỗ lực hơn.
Quả nhiên, bé bị rớt.
- Ba có buồn, có thất vọng không?
- Không, ba chỉ tiếc cho con. Nếu con nỗ lực hơn, con sẽ được thi đấu cùng những bạn giỏi ở thành phố, đó mới là vinh dự của con. Năm sau, con phải cố gắng nhé!
Ông đã nhận định đúng khả năng của con, cho con tiếp xúc môi trường thi cử phù hợp năng lực và thời gian học tập.
Hy vọng câu chuyện của người cha này sẽ giúp cháu điều chỉnh đứa em “cái gì cũng muốn”.
Theo phụ nữ TPHCM