leftcenterrightdel
Ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Ảnh:Freepik  

Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 15/8 xác nhận trường hợp mắc biến thể dễ lây lan hơn của đậu mùa khỉ, đánh dấu lần đầu tiên được phát hiện bên ngoài châu Phi, theo The Guardian.

Bà Olivia Wigzell, Tổng giám đốc Cơ quan y tế công cộng Thụy Điển, cho biết tại một cuộc họp báo rằng người này bị nhiễm bệnh khi ở một khu vực tại châu Phi, nơi đang có dịch bệnh bùng phát mạnh.

Bà Wigzell cho biết người bị nhiễm bệnh đã được hướng dẫn và chăm sóc theo đúng khuyến nghị của cơ quan y tế.

"Đây là ca bệnh đầu tiên được chẩn đoán bên ngoài châu Phi do nhánh Clade I gây ra. Người bệnh này cũng đã bị nhiễm bệnh trong thời gian lưu trú tại một khu vực ở châu Phi, nơi có đợt bùng phát lớn của chủng Clade I”, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Thụy Điển nói thêm.

Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox), hay mpox, lây truyền qua tiếp xúc vật lý gần. Bệnh gây ra các triệu chứng giống cúm và tổn thương chứa đầy mủ, thường nhẹ nhưng có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Virus đậu mùa khỉ có 2 biến thể: Clade I và Clade II. Chủng gây ra đợt bùng phát toàn cầu hồi 2022 là Clade II.

Khác với Clade II, Clade I nguy hiểm hơn nhiều với tỷ lệ nguy hiểm tính mạng lên tới 10%. Đây cũng là chủng được tìm thấy chủ yếu tại CHDC Congo và là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát ở thời điểm hiện tại.

Ngày 14/8, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố đợt bùng phát này là tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu (PHEIC).

Trước đó, vào tháng 7/2022, loại virus này đã được WHO tuyên bố là PHEIC nhưng đã được dỡ bỏ vào tháng 5/2023 sau khi số ca bệnh trên toàn cầu giảm.

Theo lifestyle.znews