Bệnh nhân N.T.K.A (29 tuổi, Quảng Ninh) tìm đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng ra máu âm đạo sau hút thai 7 tuần trên sẹo mổ cũ tại Quảng Ninh 10 ngày trước, bệnh nhân có tiền sử mổ đẻ cũ 2 lần.
Qua thăm khám, phát hiện giữa bàng quang và phần trước đoạn eo tử cung có khối âm vang hỗn hợp KT 4x5cm, nhiều mạch máu tăng sinh.
ThS.BSCKII Nguyễn Xuân Hải – Trưởng khoa Phụ nội tiết A1, BV Phụ sản Hà Nội đã tiến hành mổ nội soi lấy khối chửa ngoài và bảo tồn tử cung. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện.
Bác sĩ Hải cho biết thai ở sẹo mổ cũ là một dạng thai ngoài tử cung do thai làm tổ trong vết sẹo mổ trên cơ tử cung, phát hiện sớm thai ở sẹo mổ cũ nhằm kết thúc thai kỳ sớm và bảo tồn khả năng sinh sản.
Trường hợp của chị Lê Thị H. (31 tuổi, Hà Nội) chậm kinh 2 tuần, đã có hai con, thử que thì lên 2 vạch nhưng đi siêu âm thì không thấy túi thai nằm trong tử cung. Bác sĩ lại thấy hình ảnh của một túi thai to nằm ngoài tử cung. May mắn khối chửa này chưa vỡ, nhưng khối chửa to thế nên bác sĩ đã chỉ định mổ ngay vì nguy cơ vỡ thai rất lớn.
Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài như vòi tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng, thậm chí là chửa tại vết mổ cũ của tử cung.
Mang thai ngoài tử cung xuất hiện những dấu hiệu như mang thai bình thường như trễ kinh, đau bụng, buồn nôn... khiến chị em rất dễ chủ quan.
|
Ảnh minh hoạ. |
Thai ngoài tử cung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây vỡ vị trí làm tổ gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, gây nguy hiểm tính mạng sản phụ.
Bác sỹ Nguyễn Văn Ngọc - Chuyên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết để chẩn đoán xác định thai ngoài tử cung hay không, ngoài dựa vào biểu hiện lâm sàng, bác sĩ sản khoa cần dựa vào kết quả của 3 chỉ số sau:
- Định lượng beta- hCG (beta-hCG) huyết thanh; Siêu âm vùng chậu (siêu âm đầu dò âm đạo); Đôi khi nội soi ổ bụng.
Dấu hiệu cảnh giác thai ngoài tử cung
BS Ngọc khuyến cáo, nếu chị em phụ nữ thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường cảnh báo này cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời, gồm:
Chậm kinh: Chậm kinh là một trong những dấu hiệu đầu tiên nhận biết khi có “tin vui”, nhưng đây cũng là dấu hiệu thường gặp khi thai ngoài tử cung.
Âm đạo ra máu bất thường: Sau khi phôi thai làm tổ trên niêm mạc tử cung, khiến lớp niêm mạc bị tổn thương và chảy máu, tình trạng này gọi là máu báo thai. Đây là dấu hiệu cho biết mang thai sớm, hay gặp và thường xuất hiện sau 7 - 14 ngày kể từ ngày chậm kinh. Tuy nhiên, ở người mang thai ngoài tử cung, hiện tượng ra máu này lại kéo dài và có màu khác màu của kỳ kinh nguyệt như màu đỏ sẫm, hoặc dịch nâu.
Đau bụng: Khi mang thai ngoài tử cung, chị em sẽ thấy đau bụng tại vị trí thai làm tổ, đau bụng dưới. Tình trạng đau bụng có thể kéo dài, đau âm ỉ, hoặc có thể đau dữ dội kèm chảy máu âm đạo, thậm chí choáng ngất do sốc, mất máu gây ảnh hưởng tới tính mạng.
Ngoài ra, những trường hợp có yếu tố nguy cao cần cảnh giác mang thai ngoài tử cung như tiền sử thai ngoài tử cung, phẫu thuật ống dẫn trứng, tiền sử viêm nhiễm tiểu khung, ứ dịch ứ mủ vòi tử cung, phẫu thuật vùng bụng chậu, hoặc có tiền sử mang thai trên 35 tuổi, vô sinh, sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản...
BS Ngọc khuyến cáo nếu chị em có tiền sử mang thai ngoài tử cung, hoặc nằm trong trường hợp có yếu tố nguy cơ cao nên phòng tránh việc có thai ngoài tử cung như: Thời gian an toàn để có thai trở lại sau 6 tháng điều trị. Sau 3 tháng điều trị cần kiểm tra lại để đánh giá có tổn thương vùng vòi, tử cung. Giữ vệ sinh âm hộ, âm đạo sạch sẽ, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa hoặc sau sinh đẻ.
Trước khi mang thai nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, nếu có chẩn đoán viêm âm hộ, âm đạo, viêm phần phụ… cần được chữa trị kịp thời.
Theo Infonet