Gửi trứng, tinh trùng chờ ngày hoàn thành thiên chức

Tháng 5.2023, khi mới kết hôn được nửa năm thì anh Đặng Tuấn (TP.HCM) phát hiện ung thư tinh hoàn giai đoạn 2, tế bào ung thư đã bắt đầu di căn. Ở tuổi 33, anh Tuấn phải mổ cắt bỏ 1 tinh hoàn chứa khối u, xử lý triệt để di căn và phối hợp hóa, xạ trị. "Lúc nhận được chỉ định và tư vấn của bác sĩ là tôi có nguy cơ vô sinh do các hóa chất trị liệu và tia xạ có khả năng tàn phá chức năng sinh sản, tôi hoang mang tột cùng", anh Tuấn nhớ lại.

Công nghệ 'đóng băng' trứng và tinh trùng chờ ngày sinh con khỏe mạnh - Ảnh 1.

Một bệnh nhân lớn tuổi sinh con khỏe mạnh nhờ kỹ thuật gom và trữ trứng số lượng ít

 

Qua nhiều ngày tìm hiểu, đến tháng 7.2023, anh Tuấn quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCMC) để trữ tinh trùng trước khi bước vào đợt hóa trị đầu tiên. Với 3 mẫu tinh trùng trữ lạnh, nếu điều trị suôn sẻ, vợ chồng anh vẫn có thể sinh con nhờ bơm tinh trùng vào tử cung IUI hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Còn chị Stefani Phạm (38 tuổi, độc thân), đang sinh sống ở Úc, lại chọn trở lại Việt Nam trữ trứng bảo tồn khả năng sinh sản bởi một lý do rất thiết yếu.

Công nghệ 'đóng băng' trứng và tinh trùng chờ ngày sinh con khỏe mạnh - Ảnh 2.

Thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Tâm Anh TP.HCM, chọc hút trứng cho bệnh nhân

Tâm Anh

"Tại Úc, chi phí đông lạnh trứng lên tới 6.000 - 8.000 USD (khoảng 150 - 200 triệu đồng) cho một chu kỳ, đã bao gồm chi phí lưu trữ trong 6 tháng đầu tiên. Chưa kể đến chi phí thực hiện IVF cao gấp 2 - 3 lần. Trong khi đó, tại IVF Tâm Anh, toàn bộ chi phí bao gồm xét nghiệm, thuốc kích trứng, chọc hút và lưu trữ noãn trong vòng 1 năm đầu rơi vào khoảng 50 triệu. Phí duy trì hằng năm chỉ khoảng 4 - 6 triệu đồng. Chi phí thực hiện IVF dao động từ 100 - 120 triệu đồng/1 chu kỳ. Trong khi đó, kỹ thuật công nghệ 2 bên tương đương nhau, thậm chí tỷ lệ thành công ở Việt Nam còn cao hơn rất nhiều", chị Stefani Phạm nói về lý do quyết định chọn nơi "bảo hiểm" khả năng sinh sản cho mình.

Thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCMC, chia sẻ hiện nay ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trữ trứng và tinh trùng là xu thế và nhu cầu của xã hội. Nguyên nhân do xu hướng kết hôn và sinh con muộn, tỷ lệ mắc bệnh mạn tính nguy hiểm như ung thư ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, cộng đồng LGBT đã ý thức việc bảo tồn sinh sản trước khi chuyển giới.

Công nghệ 'đóng băng' trứng và tinh trùng chờ ngày sinh con khỏe mạnh - Ảnh 3.

Trứng và tinh trùng vẫn đảm bảo chất lượng sau hàng chục năm trữ đông trong bình ni tơ lỏng ở nhiệt độ âm 190 độ C.

Tại Mỹ, số lượng nữ đông lạnh trứng đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2015 đến 2020, nhu cầu đông lạnh phôi tăng gần 60%. Tại Anh, đông lạnh và lưu trữ trứng đã tăng đáng kể sau đại dịch Covid-19, từ 2.576 chu kỳ vào năm 2019 lên 4.215 vào năm 2021 (tăng 64%), trong khi lưu trữ phôi cũng tăng. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và thụ tinh nhân tạo đã tăng 10% từ năm 2019 đến 2021 (khoảng 7.000 chu kỳ).

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng Lab Trung tâm IVFTA-HCMC, cho biết một chu trình trữ lạnh - rã đông trứng hoặc tinh trùng thường bao gồm 6 giai đoạn, gồm tiếp xúc với chất bảo quản và khử nước, hạ nhiệt độ, lưu trữ mẫu, rã đông, loại bỏ chất bảo quản ra khỏi tế bào, và đưa tế bào về hoạt động sinh lý ban đầu. Tất cả đều theo quy trình chuẩn nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng. Trứng và tinh trùng được chứng minh có thể trữ đông đến 50 năm ở trong môi trường ổn định (âm 190 độ C trong môi trường ni tơ lỏng).

Có 2 phương pháp phổ biến trong trữ đông trứng và tinh trùng là trữ đông thường quy (đông lạnh chậm) và kỹ thuật "thủy tinh hóa". Trong đó, kỹ thuật thủy tinh hóa ưu việt hơn vì tốc độ hạ nhiệt độ nhanh, chỉ khoảng 20 phút để hoàn thành, giảm sốc lạnh, tránh rủi ro hình thành tinh thể đá, đảm bảo tỷ lệ sống sót của tế bào luôn cao.

Các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên thế giới dùng kỹ thuật thủy tinh hóa và phôi bằng Cryotop Safety Kit (bộ dụng cụ đặc biệt để đáp ứng cho kỹ thuật thủy tinh hóa). Nhờ đó, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phân chia của phôi, tỷ lệ hình thành phôi nang của nhóm IVF cổ điển (cho hàng vạn tinh trùng tự thụ tinh với noãn trong điều kiện phòng thí nghiệm) hay nhóm làm IVF/ICSI (chọn 1 tinh trùng khỏe mạnh nhất bơm vào bào tương noãn) đều có kết quả rất tốt, trung bình lên tới 93,4%.

"Như trứng là tế bào lớn nhất trong cơ thể người, với 99% thành phần là nước. Tế bào càng nhiều nước, việc trữ đông càng khó khăn vì dễ bị chết khi trữ hoặc khi rã đông. Do đó, trữ đông trứng là kỹ thuật khó trong hỗ trợ sinh sản, không phải trung tâm nào trên thế giới cũng có thể làm được", thạc sĩ Ngọc Quỳnh tiết lộ.

Đón đầu công nghệ cao cấp này, tháng 2.2023, IVFTA-HCMC đưa kỹ thuật thủy tinh hóa trứng, tinh trùng và phôi bằng Cryotop vào điều trị. Mục tiêu tăng tối đa khả năng bảo toàn tế bào trứng, tinh trùng và phôi cho người bệnh. Kết quả được ghi nhận rất vượt trội ở tất cả các nhóm gồm trữ trứng, trữ tinh trùng và phôi. Tỷ lệ noãn sống sau rã đông là 97%, cao gấp ba lần so với phương pháp cũ là đông lạnh chậm. Tỷ lệ thụ thai từ trứng rã đông lên tới 74,4%...

"Thủy tinh hóa trứng, tinh trùng và phôi bằng Cryotop là công nghệ hiện đại nhất cho đến nay, bước tiến lớn trong công nghệ trữ đông trứng, tinh trùng và phôi trong hỗ trợ sinh sản. Công nghệ này sẽ giúp người dân dễ dàng bảo tồn chức năng sinh sản, hạn chế xin tinh trùng hoặc trứng, dễ dàng có con "chính chủ" khỏe mạnh", thạc sĩ Ngọc Quỳnh nhấn mạnh.

Nhiều người trẻ đến Tâm Anh trữ trứng, tinh trùng

Ghi nhận tại IVFTA-HCMC, năm 2022 đơn vị này đã tiếp nhận gần 500 phụ nữ trữ trứng chờ làm mẹ. 6 tháng đầu năm 2023, số ca tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Cao điểm, một tuần bác sĩ tiếp nhận 10 - 15 ca. Độ tuổi trữ tinh trùng và trứng được ghi nhận trung bình từ 28 đến 38 tuổi.

Nam giới trữ tinh trùng cũng tăng 50% so với năm 2022, chủ yếu ở nam giới trước khi chuyển giới và trước điều trị ung thư (ung thư tinh hoàn, ung thư tiêu hóa, ung thư xương…). Cá biệt, trường hợp nhỏ nhất là thiếu niên 14 tuổi trữ tinh trùng trước khi điều trị ung thư xương.

 

Theo Thanh niên