leftcenterrightdel
Đại dịch khiến nhiều phụ nữ đối diện trầm cảm sau sinh. Ảnh: iStock. 

Trước khi dịch Covid-19 ập đến, khoảng thời gian mang thai và sau sinh đã là giai đoạn quan trọng và căng thẳng đối với phụ nữ.

Trong đại dịch, sự căng thẳng cùng những thách thức bất ngờ xảy ra khi sinh con có thể tạo nên thiệt hại đáng kể đối với sức khỏe tinh thần của các bà mẹ, CNA đưa tin.

Theo một nghiên cứu năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Điều dưỡng Alice Lee, Đại học Quốc gia Singapore, trầm cảm sau sinh (PPD) là một tình trạng suy nhược đang gia tăng trên toàn cầu và ở Singapore, đặc biệt là trong năm đầu tiên sau khi sinh con.

Những nỗi sợ mới

Những bà mẹ mắc PPD thường có các triệu chứng "baby blues" (dùng để chỉ cơn lo âu, căng thẳng và buồn bã ngắn hạn nói chung sau khi sinh) lâu và rõ ràng hơn, chẳng hạn có cảm giác vô vọng, buồn bã và biến đổi tâm trạng trầm trọng.

Điều này xảy ra với cả những người lần đầu làm mẹ lẫn người từng sinh con trước đó.

Theo Healthline.com, trong khi "baby blues" thường sẽ biến mất sau 10 đến 14 tuần sau sinh, PPD có thể tồn tại trong nhiều tháng (hoặc nhiều năm) nếu không được điều trị.

So sánh dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay với cùng kỳ năm 2020, bác sĩ tâm thần Chua Tze-Ern, người đứng đầu và là cố vấn cấp cao của KK Women’s and Children’s Hospital (KKH), cho biết số phụ nữ đã được chẩn đoán mắc chứng PPD trong "Chương trình can thiệp trầm cảm sau sinh" của KKH đã tăng gấp đôi.

"Nhiều phụ nữ im lặng trước những cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần của mình vì họ sợ mình sẽ bị đánh giá là người mẹ yếu đuối hoặc không xứng đáng", nhà trị liệu tâm lý Silvia Wetherell, cố vấn sức khỏe tâm thần được chứng nhận tại Alliance Counseling, cho biết.

Bà nói thêm rằng trầm cảm sau sinh có thể gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng và lâu dài cho cả mẹ và con.

leftcenterrightdel
Trầm cảm sau sinh gây nên những tác động nghiêm trọng đến cả mẹ lẫn con. Ảnh: dribbble. 

Đại dịch đã khiến vấn đề này càng trở nên trầm trọng. Thực tế mà hầu hết gia đình ở Singapore phải đối mặt là họ không thể nhận được sự hỗ trợ thiết thực trong dịch bệnh.

Ngoài ra còn có những thách thức khác với tâm lý người mẹ, chẳng hạn mất thu nhập, một trong hai vợ chồng mất việc và khó khăn khi làm việc tại nhà trong khi phải chăm sóc trẻ sơ sinh.

Sự căng thẳng tích tụ trong thời gian mang thai đôi khi có thể là mầm mống cho bệnh PPD xảy ra sau khi sinh.

Theo Wetherell, việc liên tục đọc tin tức về những ca nhiễm Covid-19 có thể khiến các bà mẹ căng thẳng, lo lắng hơn.

Ngoài những lo lắng thường thấy trong thai kỳ, người mẹ giờ đây còn có thêm mối lo về đảm bảo an toàn khỏi virus. "Để tránh nhiễm Covid-19, họ có thể cần tránh xa người thân và bạn bè, ít cơ hội thưởng thức những bữa ăn hay tham gia hoạt động chung trước khi sinh nở".

Tâm lý căng thẳng, sự cách ly khỏi cộng đồng có thể khiến phụ nữ mang thai dễ mắc trầm cảm hơn, đây cũng là yếu tố chính gây nên chứng trầm cảm sau sinh.

Không ai có thể lường trước mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc sau sinh của các bà mẹ.

Tính chất không thể đoán trước của đại dịch khiến nhiều người mẹ rơi vào bất lực.

PGS Helen Chen, Trưởng phòng và Chuyên gia Tư vấn Cấp cao tại KKH, cho biết trên trang web Healthxchange nhiều bà mẹ sợ con bị nhiễm bệnh.

“Một số phụ nữ đã trở nên lo lắng đến mức họ phải đeo găng tay hoặc khẩu trang ngay cả khi ở nhà khi chăm sóc con của họ", cô nói.

Giãn cách xã hội để chống dịch có thể ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ của nhiều người. Đó cũng là một trong những vấn đề dẫn đến căng thẳng và trầm cảm.

Hạn chế trong tiếp cận dịch vụ y tế khiến một số người mắc vấn đề như đau, nhiễm trùng tuyến sữa, tắc sữa không được giúp đỡ và quyết định dừng cho con bú.

Theo zingnews