Từ đầu năm 2023 tới nay, tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM - đã tiếp nhận khoảng 15 trường hợp trẻ em được gia đình đưa tới khám vì nghi mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên kết quả cho thấy các trẻ này đã giả bệnh để dọa phụ huynh.
Mới đây, bé N.H.A. - 13 tuổi, quê ở tỉnh Tiền Giang - được cha mẹ đưa đến khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. A. là con một nên xưa nay luôn được gia đình cưng chiều. Một ngày tự dưng A. nói chán đi học, rồi nghỉ học, bỏ cả ăn uống. Cha mẹ và thầy cô khuyên bảo nhưng A. không chịu nghe, nói mình bị trầm cảm. Cô bé dọa nếu cha mẹ không cho nghỉ học thì sẽ tự tử.
|
|
Bác sĩ Đinh Thạc đang khám cho một trường hợp nghi mắc bệnh trầm cảm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: T.Đ. |
Khi bác sĩ hỏi han, khơi gợi câu chuyện thì cô bé tâm sự rằng mình thích làm như vậy cho cha mẹ lo lắng. Bởi em đọc trên mạng thấy người ta nói cứ bỏ ăn, đóng cửa trong phòng, dọa chết là triệu chứng bệnh trầm cảm nên làm theo. Nguyên nhân sâu xa vì A. bị cha mẹ hạn chế, không cho chơi game. Điều này khiến cô bé bực bội. Bác sĩ Đinh Thạc chẩn đoán A. không hề bị bệnh trầm cảm. Đây là trạng thái phản ứng tiêu cực khi nảy sinh xung đột giữa cha mẹ và con cái. A. đã được chuyên gia tâm lý của bệnh viện tư vấn, hướng dẫn cách ứng xử cho phù hợp hơn. Sau 3 buổi gặp chuyên gia tư vấn, A. hiểu ra mình đã sai và đi học trở lại.
Chị P.T.K.D. - 48 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM - cũng chia sẻ sự khổ tâm về đứa con trai đang học lớp Mười một. Chị cho biết gia đình chỉ có một mình cháu T. nên rất chiều con. Từ nhỏ, con trai chị đã muốn gì được nấy. Khoảng 1 tháng nay, T. đòi du học nước ngoài nhưng gia đình chưa đủ điều kiện. Sau khi nhận được câu trả lời không như ý từ mẹ, T. bỏ nhà đi bụi 3 ngày. Vợ chồng chị chạy khắp nơi tìm được con ở nhà bạn bè. Khi trở về nhà, T. vùng vằng, khóa cửa phòng, tuyệt thực và nhắn tin với mẹ rằng mình bị trầm cảm, không thiết tha gì cuộc sống này, chỉ muốn chết.
Thấy con nói vậy, vợ chồng chị D. vội vàng nhượng bộ, hứa sẽ cố gắng thu xếp cho con du học. Nghe xong, T. lập tức hết bệnh, ra ăn cơm và vui vẻ như thường. Kể từ lần đó, hễ có gì trái ý là T. lại dọa chết, nhốt mình trong phòng cho tới khi cha mẹ chiều theo thì thôi. Cách đây vài ngày, T. đòi đi du lịch hè nước ngoài cùng bạn, mẹ không đồng ý thì T. lại dọa sẽ tự tử. Chị D. biết con chỉ giả vờ để vòi vĩnh cha mẹ nhưng trong lòng vẫn rất lo.
Tiến sĩ Lê Minh Thuận (Khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh) cũng vừa tiếp nhận bé gái 11 tuổi, ngụ TP Thủ Đức được mẹ đưa đi khám. Bé nói với mẹ mình bị bệnh trầm cảm vì áp lực học hành, nếu còn bị ép đi học thì sẽ tự tử. Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định bé không hề bị trầm cảm. Cách đây không lâu, bé không học bài nên bị điểm kém. Chính vì vậy, bé ngán ngại, không có hứng thú đi học nên giả bộ bị bệnh tâm lý.
Khi được bác sĩ hỏi tại sao lại biết trầm cảm là sẽ bỏ ăn, bỏ học và muốn chết thì bé nói thấy trên TikTok nói vậy nên bắt chước. Tiến sĩ Lê Minh Thuận cảnh báo việc sử dụng internet ở trẻ em đang ở mức độ không kiểm soát. Trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ, từ đó dẫn tới hiểu sai hoặc gây ra các hậu quả tai hại khác. Trẻ giả bộ bị trầm cảm để thỏa mãn đòi hỏi cá nhân, không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới lệch lạc về nhân cách. Khi lớn lên, trẻ sẽ trở thành người không trung thực, luôn đổ lỗi cho người khác, ích kỷ, khó hòa nhập xã hội.
Bác sĩ Đinh Thạc lưu ý: nếu trẻ có phản ứng tiêu cực thì đồng nghĩa bé đang bị rối loạn về mặt cảm xúc hoặc căng thẳng tạm thời.Tốt nhất cha mẹ nên đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý hoặc khám tại khoa tâm lý của các bệnh viện để được chẩn đoán chính xác, từ đó có phương án xử trí kịp thời. Có một số trẻ vị thành niên tới khám, tuy không phải mắc bệnh trầm cảm nhưng lại có nhận thức sai lệch vì được gia đình quá nuông chiều. Các trường hợp này cần được can thiệp bằng liệu pháp nhận thức hành vi để trẻ có nhận thức đúng đắn và thái độ ứng xử phù hợp hơn.
|
Theo phụ nữ TPHCM