Bất kỳ ai cũng có thể gặp bệnh lý về thận trong đó hay gặp nhất là bệnh lý liên quan đến cầu thận. Đây là bệnh lý chiếm tới 40% nguy cơ gây suy thận với các bệnh như: viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do bệnh rối loạn chuyển hóa, viêm cầu thận do bệnh hệ thống, hội chứng thận hư…

Ở nước ta, tỷ lệ người mắc bệnh thận mạn hay còn được gọi là suy thận khoảng 10,1% dân số, mỗi năm có khoảng 8.000 ca mắc mới. Nguyên nhân tử vong vì bệnh thận mạn xếp thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.

Người bị suy thận mạn không thể chữa khỏi hoàn toàn, lâu dần người bệnh sẽ tiến triển tới giai đoạn cuối và lúc này cần phải điều trị thay thế thận.

Suy thận sống được bao lâu? Trong trường hợp người bệnh tuân thủ đúng các phác đồ điều trị thì từ lúc phát hiện suy thận mạn cho tới cho đến khi suy thận có thể rơi vào khoảng 10-20 năm.

Trong trường hợp không kiểm soát tốt suy thận, người bệnh có thể mắc một số bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp và dễ gặp biến chứng.

Dấu hiệu cảnh báo thận đang dần mất chức năng- Ảnh 1.

Người mắc suy thận sẽ phải điều trị bệnh suốt đời.

Dấu hiệu cảnh báo suy thận

Suy thận được chia làm 5 giai đoạn: ở giai đoạn 1, 2 bệnh chưa gây ra các rối loạn về chức năng thận; từ giai đoạn 3 bệnh bắt đầu xuất hiện các rối loạn chức năng thận; đến giai đoạn 5 là giai đoạn nặng nhất của bệnh lúc này cần điều trị bằng các phương pháp như ghép thận, lọc màng bụng, lọc máu.

Suy thận mạn thường tiến triển âm thầm do vậy lúc phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn. Người bệnh thường bỏ qua hoặc thích nghi với những biểu hiện không rõ ràng, mơ hồ. Hơn nữa, hiện nay có nhiều người trẻ mắc suy thận nhưng chủ quan không thăm khám dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Một số dấu hiệu nhận biết suy thận sớm là:

  • Tiểu ít
  • Phù
  • Thiếu máu
  • Suy tim hoặc tăng huyết áp
  • Về tiêu hóa có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy hoặc xuất huyết tiêu hóa
  • Về thần kinh có thể gặp các vấn đề như ngủ gà, lơ mơ, hôn mê hoặc co giật.
Dấu hiệu cảnh báo thận đang dần mất chức năng- Ảnh 2.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh lý thận thường không đặc hiệu, mang tính chủ quan nên dễ bỏ sót.

Tuy nhiên các dấu hiệu này thường không đặc hiệu và người bệnh dễ chủ quan hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác. Do vậy, mọi người khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có bất kỳ bất thường nào của cơ thể thì nên thăm khám tại cơ sở y tế để phát hiện và điều trị sớm.

Phòng ngừa bệnh lý về thận bằng cách nào?

Không có cách nào có thể phòng ngừa hoàn toàn các bệnh lý về thận nói chung. Tuy nhiên, mọi người có thể duy trì lối sống khoa học để giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

- Uống đủ nước

- Nếu có các bệnh lý nền thì cần kiểm soát tốt: huyết áp, đường máu…

- Tập thể dục thường xuyên

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân và quan hệ tình dục an toàn

- Hạn chế các đồ ăn chứa nhiều chất béo, đồ ăn chế biến sẵn, đồ nhiều muối. Tăng cường chất xơ, rau xanh, hoa quả… vào thực đơn hàng ngày

- Kiểm soát lượng protein và kali nạp vào cơ thể

- Khám sức khỏe định ký để phát hiện sớm nguy cơ, không chủ quan với những bất thường của cơ thể.

Theo suckhoedoisong.vn