Viêm đường hô hấp gồm: 

  • Viêm đường hô hấp cấp trên: Viêm mũi, viêm họng, Amidan, viêm xoang và viêm tai giữa.
  • Viêm đường hô hấp cấp dưới: Viêm thanh quản, viêm khí quản, phế quản và viêm phổi.

Nguyên nhân phổ biến gây viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ là do virus, virus lây lan từ người này sang người khác khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi hoặc các giọt bắn có chứa virus khi bệnh nhân hắt hơi, ho hay nói chuyện, sau đó đưa tay lên mắt, mũi của mình, khiến virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng. Vì vậy, viêm đường hô hấp ở trẻ rất dễ lây lan và phát tán nhanh chóng ở những khu vực có nhiều trẻ em.

Biểu hiện trẻ bị viêm đường hô hấp

Những dấu hiệu đầu tiên mà cha mẹ có thể nhận biết khi trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp là trẻ sốt nhẹ, đôi khi kèm theo rét run. 

Ngoài ra, trẻ sẽ bị hắt hơi, chảy mũi và ho. Cơn ho có thể chỉ là húng hắng, nhưng cũng có khi ho liên tục. 

Trẻ sẽ không muốn ăn do họng bị đau rát và khó nuốt. 

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được đánh giá mức độ bệnh. Nếu bệnh viêm đường hô hấp ở mức độ nhẹ và trung bình, cha mẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi và điều trị tại nhà.

Khi nào cần cho trẻ bị bệnh đường hô hấp nhập viện?

Tuỳ vào mức độ tổn thương, vị trí bị tổn thương mà bệnh có những biểu hiện khác nhau. Tuy vậy, bệnh có những biểu hiện chung nhất như sốt, ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực và những dấu hiệu nguy kịch khác. 

Những dấu hiệu nguy kịch đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi là: bỏ bú hoặc bú kém, co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở rít khi nằm yên, sốt hoặc hạ thân nhiệt, thở khò khè. 

Những trẻ trên 2 tháng tuổi đến 5 tuổi là không uống được, co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở rít khi nằm yên và suy dinh dưỡng nặng. Những dấu hiệu nguy kịch này không chỉ có trong viêm phổi mà còn trong các bệnh khác. Tuy nhiên, khi trẻ có ho, thở nhanh và có một trong các dấu hiệu này thì chứng tỏ trẻ đã bị bệnh rất nặng, cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Dấu hiệu trẻ mắc viêm đường hô hấp cần nhập viện- Ảnh 2.
 

Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ là một bệnh thường gặp và hay tái phát. Ảnh minh hoạ.

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh đường hô hấp tại nhà

Cần giữ ấm cho trẻ khi ở trong nhà, không cho trẻ ra ngoài trời nhiều gió. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tháng tuổi không được để trẻ bị lạnh. Tuy nhiên không nên quấn quá nhiều tã, mặc nhiều quần áo vì trẻ sẽ bị quá nóng, điều này không tốt bởi sẽ làm tăng nhiệt độ ở trẻ đang có sốt.

Khi trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp không kiêng bất cứ thức ăn nào.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, tăng lần bú trong ngày và đêm. Sữa mẹ hoàn toàn có đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với trẻ và có đủ nước, không cần phải cho trẻ uống thêm nước. Không cho trẻ ăn thêm bất cứ thức ăn, nước uống nào khác.

Trẻ trên 6 tháng tuổi vẫn cho trẻ bú và ăn thêm. Khuyến khích trẻ ăn làm nhiều bữa. Thức ăn của trẻ cần phải đủ chất dinh dưỡng và năng lượng. Sau khi khỏi bệnh cần duy trì chế độ ăn thêm mỗi ngày một bữa từ 2 tuần đến 1 tháng. Điều này giúp trẻ nhanh hồi phục sức khỏe cũng như cân nặng, không làm trẻ bị suy dinh dưỡng bởi khi trẻ bị bệnh đường hô hấp thường hay chán ăn.

Thông thoáng mũi cho trẻ: Trẻ bị bệnh đường hô hấp thường có kèm theo chảy nước mũi, dễ làm tắc mũi của trẻ. Điều này khiến trẻ phải thở bằng miệng, làm cho trẻ khó ăn. Nếu mũi bị tắc do chất nhầy khô và đặc, hãy nhỏ vài giọt nước muối vào mũi hoặc dùng 1 miếng giấy thấm, quấn sâu kèn được làm ẩm, để làm loãng dung dịch nhày.

Không được dùng những thuốc nhỏ mũi khác khi không có hướng dẫn của thầy thuốc.

Dùng thuốc ho: Ho là một phản xạ tự nhiên để tống, xuất chất tiết ở đường hô hấp. Nếu trẻ ho ít có thể dùng những loại sirô ho cho trẻ.

Không nên dùng những loại thuốc ho có chứa Atropine, Codein, Phenergan hoặc liều cao các kháng histamin, vì sẽ làm cho trẻ ngủ nhiều, ảnh hưởng đến ăn uống của trẻ.

Dùng thuốc hạ sốt: Trẻ sốt mức độ vừa có thể làm sức đề kháng của cơ thể tốt hơn. Tuy nhiên, nếu sốt cao sẽ làm tăng tiêu thụ ô xy, khiến cho trẻ chán ăn và có thể gây co giật.

Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C có thể không cần dùng thuốc hạ sốt. Các phương pháp như lau mát cho trẻ, cho trẻ uống thêm nước hoặc bú thêm (trẻ dưới 6 tháng tuổi), cho trẻ nằm ở nơi thoáng, mát cũng giúp trẻ bớt nóng/sốt. Khi sốt cao thì dùng thuốc hạ sốt cứ 6 giờ 1 lần, liều lượng theo hướng dẫn.

Điều quan trọng nhất trong chăm sóc trẻ bị bệnh đường hô hấp tại nhà là cha mẹ cần phải theo dõi, phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy hiểm để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, đó là: Khó thở hơn, thở nhanh hơn, không uống được, không bú được, trẻ mệt hơn, sốt cao, lơ mơ, co giật, khò khè, tím tái… thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn