Đau mạn tính ảnh hưởng chủ yếu đến người từ 40 tuổi trở lên. Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Pain ước tính cứ 5 người trưởng thành thì sẽ có 1 người bị đau mạn tính, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Đau mạn tính ở tuổi trung niên: Vì sao phải sớm điều trị? - ảnh 1

Đau mạn tính không chỉ gây vận động khó khăn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống

SHUTTERSTOCK

Một nghiên cứu khác trên chuyên san PLOS ONE đã phát hiện những tác động cả ngắn và dài hạn của đau mạn tính đến sức khỏe. Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 12.000 người thuộc nhiều quốc gia ở châu Âu. Độ tuổi trung bình của họ khi tham gia nghiên cứu là 44. Tất cả được theo dõi sức khỏe trong hơn 20 năm sau đó.

Kết quả phân tích cho thấy sức khỏe tổng thể của những người từng bị đau mạn tính có xu hướng kém đi trong 20 năm sau đó. Đau mạn tính được hiểu là những cơn đau tái đi tái lại, kéo dài trong hơn 3 tháng.

Không những vậy, cơn đau cũng khiến người mắc dễ căng thẳng, khó ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. Do đó, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Vì đau mạn tính ở tuổi trung niên sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống nên các chuyên gia sức khỏe cũng khuyến nghị cách tiếp cận nhiều mặt để ngăn ngừa nguy cơ và cải thiện chất lượng sống người bệnh.

Thay vì chỉ uống thuốc giảm đau, người bệnh cần duy trì các thói quen sinh hoạt như tập thể dục, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc. Giảm căng thẳng và chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng.

Người trung niên bị đau mạn tính có thể thực hiện các hoạt động thư giãn như ngồi thiền, nghe nhạc, dùng tinh dầu hay tăng cường giao tiếp xã hội. Chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng đóng vai trong quan trọng giúp giảm đau và giảm tác động tiêu cực khác với sức khỏe, theo Healthline.

Theo Thanh niên